Triển vọng và thách thức ngành ngân hàng: Bài 3 - Nợ xấu không thể tự biến mất nếu chỉ “quét rác dưới thảm”

07:10' - 15/03/2023
BNEWS Để cải thiện chất lượng tài sản, các ngân hàng nên minh bạch các con số và thông tin về nợ xấu, nợ xấu không thể tự biến mất nếu chỉ “quét rác dưới thảm”.

Ngành ngân hàng Việt Nam đang có những kỳ vọng lớn cho nhiều cơ hội phát triển trong năm 2023. Song, vấn đề về thanh khoản, lãi suất, tình hình nợ xấu có nguy cơ xấu đi… đang gây áp lực không nhỏ lên hoạt động ngân hàng, đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu.

 

Phóng viên: Ngành ngân hàng vừa trải qua một năm với nhiều chỉ tiêu kinh doanh đạt mức tăng trưởng cao. Ông nhận định thế nào về triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2023?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ngành ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ tài chính số. Việc áp dụng công nghệ vào hoạt động của các ngân hàng cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, tạo ra sự tiện nghi và thuận tiện cho khách hàng. 

Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng sẽ gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng liên quan đến sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản.

Hơn nữa tình trạng lãi suất tăng cao, lạm phát tăng, tăng trưởng chậm và các thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đang trong  khủng hoảng sẽ trực tiếp tác động tới việc kinh doanh của các ngân hàng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. 

Cụ thể, riêng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng nắm giữ một số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, ước tính khoảng 300.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 18% vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng.  

Phóng viên: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, đâu là những thách thức mà ngành ngân hàng Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt trong năm nay, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tình hình kinh tế thế giới bất ổn, từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đến những chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và các nước châu Âu đang tác động không nhỏ lên ngành ngân hàng Việt Nam. 

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng tiếp tục tăng lãi suất, dự báo vào tháng 3 và tháng 5 năm nay trước khi có thể dừng tăng lãi suất vào nửa cuối của năm 2023 nếu Mỹ có thể kéo tỷ lệ lạm phát từ mức 7% hiện nay xuống còn 5-6% trong những tháng tới.

Lãi suất của Fed hiện ở mức 4,5-4,75% đang rất cao và tác động mạnh đến các thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Tỷ giá tiền VND đối với USD và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục biến động theo chiều hướng bất lợi, có nghĩa là tỷ giá và lãi suất sẽ vẫn tiếp tục tăng nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất.

Trở lại với các ngân hàng Việt Nam, vấn đề lớn nhất cần được lưu tâm hiện nay là thanh khoản và lãi suất. Các ngân hàng đang đối mặt với sự thiếu hụt thanh khoản do nợ xấu làm dòng tiền cho vay không trở lại với ngân hàng, buộc ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản. Lãi suất huy động cao đẩy lãi suất cho vay cao sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp.

Phóng viên: Vấn đề chất lượng tài sản của ngành ngân hàng cũng đang đặt ra nhiều lo ngại khi nợ xấu có xu hướng đi lên. Thực trạng này cần được nhìn nhận thế nào và đâu là giải pháp để cải thiện chất lượng tài sản ngân hàng, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chất lượng tín dụng trong quý IV/2022 của các ngân hàng cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan, tỷ lệ nợ xấu tăng lên, dù tỷ lệ dự phòng trên tổng nợ xấu rất cao với độ bao phủ tại một số ngân hàng lên đến 200-300%.

Nguyên nhân nợ xấu tăng trong kỳ do ngân hàng thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch COVID-19 đã hết hạn vào ngày 30/6/2022.

Sang năm 2023, tình hình nợ xấu lại xấu đi vì các doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đến 51.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc giải thể trong 2 tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó sức cầu yếu, chỉ cần đi một vòng các siêu thị, trung tâm mua sắm chúng ta cũng thấy sự vắng vẻ, thiếu cảnh nhộn nhịp thường thấy trong những tháng đầu năm.

Chất lượng tài sản ngân hàng mà cụ thể là chất lượng các khoản cho vay của ngân hàng là điểm đáng lưu ý trong hệ thống đánh giá sức khoẻ ngân hàng.

Để cải thiện chất lượng tài sản, các ngân hàng nên minh bạch các con số và thông tin về nợ xấu, nợ xấu không thể tự biến mất nếu chỉ “quét rác dưới thảm”; có thể tìm cách bán nợ xấu trên sàn giao dịch nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã thành lập. Tuy nhiên, để “chợ” nợ xấu được hoạt động mạnh, luật pháp cần sửa đổi việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm, thế chấp, cầm cố.

Thêm vào đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được gia hạn từ ngày 15/8/2022 và sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12/2023. Nghị quyết này cần bổ sung, sửa đổi hay thay thế bằng một Nghị quyết khác của Quốc hội để biến việc xử lý nợ xấu thành luật và cần phải được bổ sung nhiều điều khoản để việc xử lý nợ và thu hồi nợ hiệu quả, phù hợp hơn trong môi trường kinh doanh và pháp luật mới.

Các cơ quan quản lý và thanh tra nên đặc biệt quan tâm đến 2 lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Phóng viên: Trước những diễn biến về lãi suất khiến chi phí vốn tăng cao trong khi cầu tín dụng của nền kinh tế yếu, theo ông, các ngân hàng sẽ cần phải ứng phó ra sao, nhất là triển khai các gói tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong bối cảnh khó khăn, việc triển khai các gói tín dụng như gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành và gói cho vay với người có thu nhập thấp nên triển khai mạnh mẽ để làm đòn bẩy phục hồi nền kinh tế đang khá ảm đạm.

Mới đây nhất, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi kể từ ngày 6/3. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,2%/năm và các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi giúp tiết giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tuy lãi suất huy động đã phần nào "hạ nhiệt" nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang niêm yết lãi suất huy động cao nhất trên 9%/năm. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức 4% thì lãi suất huy động vẫn cần nỗ lực giảm tiếp cho hợp lý, xuống đến 6%/năm để khi cộng thêm biên độ, lãi suất cho vay ở ngưỡng khoảng 9%/năm.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm: 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục