Nói không với thực phẩm giả, kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

10:18' - 17/04/2019
BNEWS Ngày 17/4, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Diễu hành tuyên truyền về an toàn thực phẩm sau lễ phát động. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Tại lễ phát động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu đánh giá, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Ủy ban nhân dân tỉnh ký kết với Ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị: "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019” gắn với tiêu chí 100% xã, phường, thị trấn tổ chức các đợt sinh hoạt nâng cao kỹ năng cho người sản xuất thực phẩm an toàn; trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được phổ biến nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về an toàn thực phẩm.

Các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, thực hiện ký cam kết chấp hành đầy đủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý ngành Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm đến người dân; kiên quyết xử lý vi phạm về vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn...

Hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được tăng cường và đạt hiệu quả cao. Công tác thông tin tuyên truyền giúp thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Ngành chức năng duy trì công tác thanh tra, kiểm tra và tăng cường triển khai trong các chiến dịch trọng điểm, nhiều mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm được triển khai hiệu quả.

Tuy nhiên, tại một số địa phương trong tỉnh, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến; lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường...

Theo thống kê, trong năm 2018, các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tỉnh Hậu Giang đã kiểm tra 6.235 vụ, xử lý 1.413 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 76 triệu đồng, thu giữ nhiều tang vật, buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân./.

Xem thêm:

>>Tổng Cục QLTT: Siết kỷ cương đẩy lùi thực phẩm bẩn

>>Quảng Ninh: Nạn buôn lậu vẫn hoành hành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục