Quảng Ninh: Nạn buôn lậu vẫn hoành hành

08:53' - 15/04/2019
BNEWS Quảng Ninh được coi là thị trường tiêu thụ, địa bàn trung chuyển hàng lậu, hàng giả và nhất là thực phẩm bẩn tuồn vào nội địa.

Do có đường biên giới kéo dài cả trên bộ và trên biển, giao thông đi các tỉnh, thành phố thuận tiện nên Quảng Ninh được coi là thị trường tiêu thụ, địa bàn trung chuyển hàng lậu, hàng giả và nhất là thực phẩm bẩn tuồn vào nội địa.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 với chủ đề "Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" đã được Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng các đơn vị chức năng thực hiện với nhiều giải pháp.

*Buôn lậu vẫn hoành hành

Ông Nguyễn Đình Hưng, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là tỉnh có 10 triệu khách du lịch đến tham quan mỗi năm nên việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được cả hệ thống chính trị của tỉnh quan tâm, nhất là lực lượng quản lý thị trường.

Lực lượng chức năng thu giữ hàng hóa nhập lậu. TTXVN phát

Tuy nhiên, do đặc thù vị trí địa lý tiếp giáp Trung Quốc cả trên bộ và trên biển, giao thông đi các tỉnh, thành phố thuận lợi nên Quảng Ninh được các đối tượng xấu coi là thị trường tiêu thụ và trung chuyển hàng giả, hàng lậu; trong đó đáng chú ý là mặt hàng thực phẩm bẩn.

Thống kê cho thấy, năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra và phạt gần 3 tỷ đồng riêng mặt hàng này, góp phần giảm thiểu vấn nạn buôn lậu thực phẩm trên địa bàn.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Hưng, do đây là địa bàn nhiều khách du lịch nên việc tiêu thụ thực phẩm nhiều. Vì thế, Cục Quản lý thị trường thường xuyên chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ và có sự phối hợp các đơn vị chức năng để đạt hiệu quả cao.

Đáng lưu ý, gần đây dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra trên diện rộng nên tại Quảng Ninh đã có 4 huyện, thị phối hợp cùng lực lượng chức năng tham gia chốt chặn để kiểm tra, kiểm soát tránh đưa nguồn thực phẩm bẩn, nhiễm bệnh ra, vào địa bàn.

Chia sẻ về các vụ việc được lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát gần đây, ông Nguyễn Đình Hưng cho hay, mấy ngày qua, lực lượng của ngành đã chặn bắt nhiều chuyến xe khách chở cá, nội tạng và thực phẩm nhập lậu nhằm đưa vào nội địa tiêu thụ.

Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh) đã kiểm tra chiếc xe 14B-00399 chở 1 tấn cá chim trắng đông lạnh nghi nhập từ Trung Quốc và hơn 360 kg hạt dẻ cười do Từ Mạnh Hà là chủ hàng.

Ngoài ra, ở thành phố Móng Cái, Đội Quản lý thị trường số 4 cũng đã kiểm tra xe ôtô 98C-022.96 do ông Ngô Văn Cẩn điều khiển chở 430 kg hạt dẻ cười Trung Quốc; 290 kg nội tạng lợn sấy khô.

Đội Quản lý thị trường số 4 đã lập biên bản và xử phạt hành chính các vụ việc liên quan đến vận chuyển thực phẩm không nguồn gốc hàng chục triệu đồng và tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Móng Cái.

Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy số cá chim trắng và nội tạng lợn, đồng thời xử phạt hành chính hơn 20 triệu đồng với 2 chủ hàng này.

Đối với các mặt hàng khác, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ, mặc dù lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng vấn nạn hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn hết sức phức tạp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều, nhưng cơ bản vẫn là lực lượng trực tiếp đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả còn mỏng, trong khi đó địa bàn trải rộng. Ngoài ra, lực lượng còn thiếu cán bộ có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu chống hàng giả, nhất là vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả rất cao. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn có xu thế chuộng hàng ngoại, hàng có thương hiệu nên hàng giả, giá rẻ vẫn có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Bùi Văn Khắng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do bất cập về văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nhận thức về hàng giả, hàng lậu nhất là lĩnh vực thực phẩm còn hạn chế, có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức từ cơ quan thực thi công vụ tới doanh nghiệp và người tiêu dùng.

*"Xắn tay" vào cuộc

Chia sẻ về những khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát, đại diện các đội quản lý thị trường cho hay, do lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng với địa bàn rộng lớn của tỉnh.

Hơn nữa, Quảng Ninh có nhiều bếp ăn tập thể, trường học nên lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với nhiều ngành chức năng trong việc kiểm tra đầu mối cung cấp thực phẩm, bếp ăn để kịp thời phát hiện, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trước khi cung cấp cho các đơn vị.

Đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đại diện các đội quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, mặc dù lĩnh vực an toàn thực phẩm mới đây đã được Bộ Luật hình sự quy định, nhưng để xử lý còn nhiều vấn đề, hướng dẫn cụ thể chưa có nên việc xử phạt còn nhiều hạn chế.

Ông Bùi Văn Khắng khẳng định, để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, Tháng hành động về an toàn thực phẩm là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, đợt cao điểm này sẽ gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương với các cơ quan chức năng và đoàn thể chính trị xã hội; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng.

Mặt khác, UBND các cấp tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt chuyên đề, kế hoạch trọng điểm; rà soát các kho, điểm tập kết hàng hóa.

Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, tại các địa phương biên giới, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra thêm các mặt hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá điếu, xì gà, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...

Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Khắng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ thương hiệu....

Người tiêu dùng nâng cao ý thức tự bảo vệ, mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ tại địa điểm kinh doanh uy tín; hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức cơ bản cho chủ doanh nghiệp và người lao động trong việc sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung - cầu về sản phẩm an toàn thực phẩm thông qua các chuỗi và tạo đầu ra cho doanh nghiệp thông qua hệ thống phân phối trong nước.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan làm trong sạch môi trường kinh doanh, nói không với sản phẩm, thực phẩm không an toàn; sẵn sàng tiêu hủy, không cung cấp sản phẩm, thực phẩm không an toàn ra thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục