Nỗi lo dịch do virus Corona "phủ bóng" lên chứng khoán toàn cầu

11:23' - 01/02/2020
BNEWS Chứng khoán thế giới đồng loạt đi xuống trong phiên 31/1 trong bối cảnh thị trường lo ngại sự bùng phát của dịch viêm phổi cấp do nCoV sẽ ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bảng tỉ giá chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/ TTXVN
Phiên này, các thị trường lớn ở châu Âu đều giảm hơn 1%, bao gồm cả thị trường London nơi chỉ số chính đã suy yếu bởi đồng bảng mạnh lên trong phiên cuối cùng trước khi Vương quốc Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,3% xuống 7.286,01 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 1,3% xuống 12.981,97 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 1,1% xuống 5.806,34 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 1,4% xuống 3.640,91 điểm.       

Còn tại thị trường phố Wall, các chỉ số chính cũng không thoát khỏi làn sóng đi xuống. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 590,48 điểm, tương đương 2,05%, xuống 28.268,96 điểm.  Chỉ số S&P 500 mất 56,66 điểm (1,73%) xuống còn 3.227 điểm và Nasdaq Composite giảm 137,24 điểm (tương đương 1,48%) xuống 9.161,70 điểm.

Yếu tố bệnh dịch và các thông tin về “sức khỏe” kinh tế Mỹ là những yếu tố chi phối chính cho chứng khoán phố Wall trong tuần này.

Mở đầu tuần mới trong phiên 27/1, các chỉ số chính của phố Wall đều giảm hơn 1,5%, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq giảm tới 2%, do nhà đầu tư lo ngại về những diễn biến khó lường và mức độ lây lan của dịch viêm phổi cấp do nCoV tại Trung Quốc.

Nhưng trong ba phiên sau đó, từ 28-30/1, những số liệu khá lạc quan về kinh tế Mỹ và báo cáo kinh doanh phần lớn vượt kỳ vọng của các công ty lớn đã nâng đỡ tâm lý thị trường và đưa các chỉ số chính đều tăng điểm.

Đáng chú ý là trong phiên 30/1, dù vẫn còn tâm lý lo ngại về bệnh dịch nhưng phố Wall đã phản ứng rất tích cực với thông tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vì dịch nhưng không đề cập đến những hạn chế về đi lại và giao thương với Trung Quốc.

Nhưng sang ngày 31/1, tình hình đã đảo chiều khi số người nhiễm và số ca tử vong do dịch viêm phổi cấp do nCoV ngày càng tăng lên, qua đó gây lo ngại về tác động của dịch bệnh này lên triển vọng kinh tế Trung Quốc lẫn toàn cầu trong năm nay.

Theo thống kê mới nhất của Chính phủ Trung Quốc công bố sáng 1/2, số người tử vong do nhiễm chủng virus nguy hiểm này trong ngày 31/1 là 46 người, nâng tổng số ca tử vong lên 259 trong tổng số 11.791 người nhiễm bệnh trên toàn Trung Quốc.

Ông Douglas McWilliams, phó chủ tịch của công ty tư vấn Centre for Economics and Business Research (CEBR) cảnh báo trừ khi tìm ra cách chữa trị, bệnh dịch này có thể đẩy đà phục hồi vốn đã mong manh của kinh tế thế giới đi ngược lại về suy giảm.

Các nhà phân tích kinh tế của công ty tư vấn Oxford Economics  cho biết việc bùng phát dịch viêm phổi cấp do nCoV sẽ có tác động lớn trong ngắn hạn đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và có thể kìm hãm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu khoảng 0,2 điểm phần trăm trong năm nay.

Ngân hàng Citigroup đã điều chỉnh dự báo cho tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Trung Quốc từ mức 5,8% xuống 5,5%. Ngân hàng cũng cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng quý I/2020 của nước này từ 6% như trong quý IV/2019 xuống còn 4,8%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục