Nội lực kinh tế Việt Nam còn yếu so với các nước ASEAN

17:00' - 26/11/2015
BNEWS Theo ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) ở Việt Nam, nội lực kinh tế của Việt Nam còn yếu so với các nước ASEAN.
Nội lực kinh tế Việt Nam còn yếu so với các nước ASEAN. Ảnh: TTXVN

Nhận định của ông Patrick Gilabert được đưa ra tại Diễn đàn "Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - bước đệm tiến tới hội nhập sâu rộng hơn" tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26/11.

Ông Patrick Gilabert cho rằng, Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như điều, cà phê, gạo nhưng chỉ là xuất khẩu thô và chất lượng sản phẩm còn thấp.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa xây dựng được nhiều sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng đủ để dẫn dắt thị trường hoặc tạo thành mũi nhọn có tính đột phá để phát triển hệ thống chuỗi cung ứng phát triển theo.

Mặt khác, về kỹ năng lao động, năng suất sản xuất của lao động Việt Nam còn thấp kéo theo năng lực cạnh tranh doanh nghiệp không cao.

Nhận định về tình hình hội nhập kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia cho biết, Việt Nam đang nỗ lực hội nhập sâu rộng qua hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, Việt Nam chưa tăng cường chuẩn bị cho Cộng đồng kinh tế ASEAN như các quốc gia trong khu vực gồm Thái Lan, Philippines... Đơn cử, Việt Nam đang chú trọng vào các hoạt động giao thương xuyên lục địa, tập trung vào các thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...

Đây là nguyên nhân dẫn đến kết quả nhiều cuộc khảo sát chỉ ra rằng tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam biết và ý thức được sự ảnh hưởng của Cộng đồng kinh tế ASEAN luôn thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Theo các chuyên gia, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm 2015, được xem là thị trường lớn thứ 3 thế giới, với hơn 625 triệu người, tổng thu nhập GDP khoảng 3.000 tỷ USD.

Vì vậy, nâng cao nội lực của nền kinh tế là một trong những vấn đề mà Việt Nam cần cải thiện để chuẩn bị cho việc hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015; trong đó, doanh nghiệp Việt Nam cần là đội ngũ tiên phong, dẫn đầu trong thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại; đồng thời chủ động nắm bắt thông tin tiêu dùng và xu hướng thị trường.

Ông Florian Beranek, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam nên sản xuất, kinh doanh và tạo ra những sản phẩm đáp ứng được sự hài hòa giữa các hệ thống tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Từ đó, doanh nghiệp sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, góp phần giảm thiểu những rào cản về các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật vốn đang được các quốc tế trên thế giới ngày càng áp dụng nhiều để bảo vệ thị trường nội địa./.

Mỹ Phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục