Nới room ngoại để tìm cổ đông chiến lược

19:31' - 21/11/2021
BNEWS Trong khi các ngân hàng thương mại quan tâm đến nhà đầu tư chiến lược để đem lại hiệu quả đồng vốn đầu tư thì mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư lại nhắm đến sức khỏe của đối tác.

Trong khi nguồn vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu và thực hiện chuẩn mục Basel tại các ngân hàng thương mại, nhiều ý kiến cho rằng, dường như tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) hiện đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại.

Theo thống kê tại dự thảo báo cáo Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từ năm 2017 - 2020, số lượng cổ đông nước ngoài tại 16 ngân hàng thương mại đã tăng từ 42 lên xấp xỉ 90 tổ chức.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, so với con số 31 ngân hàng thương mại đang hiện diện ở nước ta thì số 16 ngân hàng thương mại có cổ đông chiến lược còn rất khiêm tốn.

Các ngân hàng nâng cấp dịch vụ số thế hệ mới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh so với các công ty dịch vụ tài chính

Cùng quan điểm này, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác chiến lược đã khó, nhưng khi đàm phán để đi đến kết quả chung cuộc thì vướng mắc lớn nhất tập trung vào tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Theo quy định của Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của tổ chức tín dụng Việt Nam sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần không quá 5% vốn điều lệ đối với cá nhân; không quá 15% vốn điều lệ đối với tổ chức; không quá 20% vốn điều lệ đối với nhà đầu tư chiến lược; không quá 20% vốn điều lệ đối với nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan.

Tại buổi làm việc mới đây giữa các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ý kiến đều nhận định, dường như tỷ lệ sở hữu vốn trên đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại.

Trong khi các ngân hàng thương mại quan tâm đến nhà đầu tư chiến lược để đem lại hiệu quả đồng vốn đầu tư thì mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư lại nhắm đến sức khỏe của đối tác kèm theo năng lực quản trị tương ứng với chuẩn mực theo thông lệ quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, bên cạnh các ngân hàng tự chủ động khắc phục khó khăn do nguyên nhân chủ quan như nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đổi mới công nghệ, xử lý nợ xấu… để tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng, thì vấn đề hoàn thiện khung pháp lý theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, ổn định lâu dài, nhất quán là điều rất cần thiết.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc quy định room ngoại cần được phân loại theo nhóm, đối với nhóm các ngân hàng thương mại có thể nới room tùy theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng thương mại đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nới room ngoại lên cao hơn tỷ lệ 30% như đã quy định.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nêu rõ, việc xem xét nới room ngoại là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý nhà nước. Chính sách rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập.

Nhất là trong thời gian qua, nhu cầu tăng vốn để thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trước hết đối với các ngân hàng thương mại nước ta rất lớn. Kể từ ngày 1/1/2020, khi chính thức triển khai Thông tư 41/2006/TT-NHNN ngày 30/12/2004 của Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết về hệ số an toàn vốn CAR theo tiêu chuẩn Basel II thì áp lực tăng vốn tự có của các ngân hàng thương mại ngày một gia tăng.

Để tăng vốn, nhiều ngân hàng đã lên phương án phát hành cổ phiếu, giao dịch trên sàn chứng khoán; nhiều ngân hàng tìm kiếm, đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hoặc nới room ngoại theo quy định của pháp luật. Đây là những nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh, trình độ quản trị cao; nhờ đó các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Cùng với đó, nhiều dự báo cho rằng, từ năm 2022, nợ xấu sẽ bộc lộ rõ nhất trong hệ thống ngân hàng do hậu quả của đại dịch COVID-19 sau 2 năm khi doanh nghiệp đã đến kỳ trả nợ vay trung và dài hạn, đặc biệt khi các ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại nợ và giãn, hoãn nợ theo các Thông tư 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước trước đó.

Việc mở rộng khả năng tham gia của các nhà đầu tư, cổ đông chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực tài chính, tạo cơ hội để đổi mới đầu tư hạ tầng công nghệ, tăng cường thanh khoản, quản trị rủi ro sau khi hoàn tất tái cơ cấu và hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch tuần qua, dù thị trường giảm, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng “xanh mướt” giúp giữ lại thị trường không bị sụt quá sâu. Trong nhóm này chỉ còn mỗi mã BID của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam giảm nhẹ 0,2%, mã MBB của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội đứng ở tham chiếu, tất cả các mã còn lại đều ở chiều tăng giá. Đáng chú ý, cổ phiếu HDB của Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh tăng 6,9% lên giá trần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục