“Nóng” chuyện tăng vốn ở các ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông

19:11' - 01/05/2021
BNEWS Tính đến cuối tháng 4/2021, hầu hết các NHTM đã tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Trong nhiều nội dung quan trọng được thông qua, đáng chú ý là vấn đề tăng vốn điều lệ. 

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) đã thông qua lộ trình tăng vốn điều lệ theo 2 đợt, với tổng mức tăng 64,7% so với thời điểm 31/12/2020. Theo đó, vốn điều lệ của ABBank sẽ tăng từ hơn 5.700 tỷ đồng hiện nay lên hơn 9.409 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Theo ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank, việc tăng vốn điều lệ lần này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh trong 2021 và giai đoạn trung hạn 2021-2025; trong đó gồm phát triển kênh kinh doanh trên nền tảng số. Đồng thời, đảm bảo ngân hàng tuân thủ mức đủ vốn nội bộ theo Thông tư 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

ABBank tính toán ngân hàng cần duy trì mức vốn tự có 10.700 tỷ đồng, với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) mục tiêu 9%. Bên cạnh đó, cần thêm vốn yêu cầu cho tình huống căng thẳng 606 tỷ đồng, với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tổng mức vốn kinh tế hay vốn mục tiêu ABBANK cần duy trì 11.306 tỷ đồng.

Nếu không có bất cứ biện pháp tăng vốn, vốn tự có của ngân hàng này dự kiến đến cuối 2021 là 10.366 tỷ đồng. Như vậy, ABBank sẽ thiếu hụt khoảng 940 tỷ đồng vốn.

Mặt khác, để được xem xét nâng hạng tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng uy tín, ABBank cần cải thiện nâng cao chỉ số CAR lên mức tối thiểu bằng mức trung bình 10,4% của các ngân hàng thương mại cổ phần cùng nhóm. Để bảo đảm mục tiêu này, vốn cấp 1 của ABBANK cần đạt tối thiểu 11.117 tỷ đồng. Do đó, việc tăng vốn điều lệ lần này là cách thức trực tiếp và hiệu quả để tăng vốn cấp 1, nâng chỉ số CAR ở mức tương đồng so với các ngân hàng cùng nhóm.

Trong tờ trình gửi đại hội đồng cổ đông, ABBank cũng tiết lộ việc tăng vốn điều lệ cũng để bảo đảm việc thực hiện tự tái cơ cấu, tránh bị yêu cầu hợp nhất, sáp nhập. Thực tế, những năm qua, một trong các căn cứ để Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hợp nhất, sáp nhậplà quy mô hạn chế của vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại. Sau khi hoàn thành lộ trình tăng vốn trong năm nay, ABBank sẽ có mức vốn điều lệ 9.409 tỷ đồng, đạt xấp xỉ mức kỳ vọng 10.000 tỷ đồng.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, nâng vốn điều lệ của ngân hàng này lên 8.564 tỷ đồng.

Lộ trình tăng vốn điều lệ được Nam A Bank triển khai liên tục từ năm 2019 đến nay. Theo đó, năm 2019, Nam A Bank tăng vốn từ 3.354 tỷ đồng lên mức 4.564 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Năm 2020, Nam A Bank tiếp tục lên kế hoạch bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, lên mức 6.564 tỷ đồng. Phương án này hiện đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2021. Năm 2021, Nam A Bank tiếp tục dự kiến nâng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng.

Việc triển khai sẽ được thực hiện lần lượt từng phương án hoặc kết hợp đồng thời phương án tăng vốn năm 2020 và phương án tăng vốn năm 2021 từ mức 4.564 tỷ đồng lên 8.564 tỷ đồng nhằm rút ngắn tiến độ tăng vốn điều lệ của ngân hàng.

Không chỉ riêng những ngân hàng có quy mô dưới 10.000 tỷ đồng như ABBank, Nam A Bank, tăng vốn điều lệ là chủ đề "nóng" trong mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Ở nhóm ngân hàng Big 4, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6% trong giai đoạn 2021 - 2022.

Cũng trong giai đoạn 2021-2022, vốn điều lệ Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ tăng 3.076 tỷ đồng, nâng mức vốn lên hơn 50.401 tỷ đồng sau khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) dự kiến tăng lên 54.134 tỷ đồng trong năm nay, nếu phương án chia cổ tức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tuy nhiên, "nóng" nhất ở cuộc đua tăng vốn năm nay phải kể đến Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Tại Đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo VPBank cho biết, cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của VPBank đạt hơn 52.700 tỷ đồng và có thể tăng lên 90.000 tỷ vào cuối năm 2021.

Được biết, vốn chủ sở hữu của ngân hàng này tăng mạnh dựa vào một số nguồn thu như: bán 49% vốn tại FE Credit, lợi nhuận năm 2021 và cơ hội gia tăng lợi nhuận từ kênh phân phối bảo hiểm. Với lượng vốn như trên, năm 2022, VPBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng và có thể trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống ngân hàng.

Ở nhóm ngân hàng đang trong giai đoạn tập trung tái cơ cấu hoặc xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng lên kế hoạch tăng vốn sau nhiều năm "dậm chân tại chỗ".

Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, nguồn lợi nhuận giữ lại của ngân hàng đang ở mức cao hơn 6.000 tỷ đồng. Dự kiến nguồn tiền này sẽ được sử dụng để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông.

Kể từ khi triển khai tái cơ cấu sau sáp nhập năm 2017, vốn điều lệ của Sacombank vẫn ở mức 18.852 tỷ đồng, từ ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 5 hệ thống năm 2015 đến 2020 Sacombank chỉ đứng thứ 9.

Riêng Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), dù Đại hội cổ đông liên tục bất thành hoặc hoãn, hủy vì COVID-19 song ngân hàng cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ sau khi tất toán xong trái phiếu VAMC. Eximbank đề xuất Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Eximbank được chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên Eximbank lên kế hoạch tăng vốn từ chia cổ tức sau 10 năm vốn điều lệ giữ nguyên ở mức hơn 12.300 tỷ đồng.

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng vẫn chưa hề giảm trong năm 2021. Bởi trong vòng 10 năm gần đây, tốc độ tăng tổng tài sản của hệ thống ngân hàng trung bình từ 10-12%/năm, dư nợ tín dụng cũng tăng bình quân 14%/năm.

Với mức tăng đó, các ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo an toàn vốn đối với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

CAR là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của các ngân hàng. Hệ số này càng cao đồng nghĩa với tiềm lực tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng càng lớn. Thêm vào đó, hạn mức tín dụng được xác định trên vốn tự có, những ngân hàng nào vốn tự có càng cao thì room tín dụng sẽ càng rộng mở.

Các chuyên gia đều cho rằng, việc tăng vốn điều lệ không chỉ là giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, dự phòng rủi ro tín dụng mà còn giúp tăng giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung và dài hạn để tài trợ cho các hoạt động cấp tín dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục