Nông dân lập kênh TikTok, youtube bán sản phẩm ra thị trường

09:58' - 22/08/2024
BNEWS Theo Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, thời gian gần đây nông dân trong tỉnh đã tiếp cận ứng dụng nên tảng mạng xã hội, sản thương mai điện tử để bán hàng trực tiếp như: Facebook, TikTok, Zalo, Youtube.

Ngoài tiêu thụ nông sản truyền thống qua kênh thương lái, hoặc liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, gần đây nông dân tại Bến Tre đã ứng dụng thương mại điện tử kết nối thị trường thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… từ đó mang lại hiệu quả tạo thu nhập cao hơn cho người nông dân.

 

Mặc dù không phải vào dịp Tết, nhưng ông Bùi Hoàng Trọng, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) vẫn tất bật chuẩn bị hàng hóa để đóng hàng gửi đến người tiêu dùng. Mỗi ngày ông Trọng có từ 30 - 40 đơn hàng để giao cho khách thông qua kênh đặt hàng từ kênh youtube.

Theo ông Trọng, trước đây gia đình ông sản xuất cây cảnh (cây kiểng mai vàng và các loại kiểng bonsai) tiêu thụ sản phẩm trông chờ bán vào dịp Tết, thị trường bấp bênh do tiêu thụ chủ yếu qua kênh thương lái đến nhà để tìm mua và chở đi các chợ hoa tại các tỉnh.

Vào năm 2019 khi con của ông Trọng tham gia mạng xã hội facebook đăng hình ảnh sản phẩm và có người đặt hàng, từ đó mở ra hướng đi mới cho gia đình. Hiện gia đình sản xuất mỗi năm 7.000 - 8.000 sản phẩm cây cảnh cung cấp cho thị trường; trong đó, có hơn 60% tiêu thụ thông qua bán hàng trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội.

Ông Trọng chia sẻ bản thân không rành về công nghệ, tuy nhiên có người con trai am hiểu nên ứng dụng mang lại hiệu quả rất lớn trong tiêu thụ hàng hóa sản xuất của gia đình. Lúc đầu người con của ông Trọng đăng ảnh sản phẩm trên các mạng xã hội, sau đó con của ông Trọng mở kênh youtube để đăng giới thiệu sản phẩm, mọi người xem để đặt hàng. Cái hay của bán hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội nông dân bán được hàng quanh năm, cho thu thu nhập ổn định quanh năm.

Ông Đặng Văn Dũng, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách cho biết, hiện tại, gia đình ông Dũng mỗi năm bán khoảng 10.000 cây mai giống với giá từ 100.000 - 300.000 đồng/cây; trong đó, bán qua nền tảng mạng xã hội chiếm 80% sản lượng, số còn lại bán qua thương lái.

Con dâu ông Dũng được phân công nghe điện thoại khi khách hàng gọi tới đặt hàng; con trai lớn đóng thùng, trong khi 1 người còn nữa của ông Dững phụ trách việc quay video phát trên mạng xã hội. Ông Dũng chia sẻ, một số nông dân có thành lập kênh riêng nhưng số lượng người xem ít cũng sẵn sàng nhờ những chủ kênh có lượt xem lớn đến quay phim, đưa lên mạng để bán được hàng.

Nghề phát sóng trực tiếp bán hàng cây cảnh cũng được các bạn trẻ tại địa phương lựa chọn. Bạn Lê Hoàng Tấn (19 tuổi, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ lách) chia sẻ, là nhân viên bán hàng cây cảnh theo hình thức livestream trực tiếp hơn 3 năm qua, công việc cho Tấn thu nhập ổn định. Hàng ngày theo các khung giờ Tấn phát sóng trực tiếp để bán hàng cây cảnh trên TikTok. Nhà vườn sẽ trả chi phí theo sản lượng bán ra. Mỗi tháng cho thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Anh Lê Hồng Ánh, chủ cơ sở vườn kiểng Ánh Cái Mơn bán hàng trực tuyến tại xã Hòa Nghĩa chia sẻ, bản thân Ánh không trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm cây cảnh, tuy nhiên anh Lê Hồng Ánh sẽ kết nối với các hộ dân trong khu vực hoặc tìm mua các sản phẩm, và kết nối các bạn như Lê Hoàng Tấn để bán hàng. Hiện cơ sở của Lê Hồng Ánh có đội ngũ livestream 8-10 bạn làm mỗi ngày. Anh Lê Hồng Ánh cho hay, thông qua các kênh bán hàng trực tuyến khách hàng sẽ được trực tiếp mua sản phẩm không qua trung gian (thương lái) khi đó giá sản phảm giảm, sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu khách hàng mong muốn.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn, thời gian gần đây nông dân trong tỉnh đã tiếp cận ứng dụng nên tảng mạng xã hội, sản thương mai điện tử để bán hàng trực tiếp như: Facebook, TikTok, Zalo, Youtube...mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt tại huyện Chợ Lách, nơi sản xuất hoa, cây cảnh lớn nhất cả nước người dân từng bước chuyển đổi ứng dụng bán hàng trực tuyến, sản phẩm được tiêu thụ quanh năm; trong đó, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán có khoảng 50% sản lượng hoa, cây kiểng được tiêu thụ qua các kênh điện tử, số còn lại tiêu thụ thông qua thương lái và các chợ truyền thống. Qua đó, giúp nông dân có nhiều kênh tiêu thụ hàng hóa so với trước đây, lợi nhuận vì vậy cũng tăng cao hơn so với bán hàng qua thương lái.

Địa phương đã phối hợp với các ngành tổ chức nhiều đợt tập huấn để người dân tiếp cận, sử dụng các phương thức tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử. Từ đó giúp nông dân ngày càng thu hút đầu tư, chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần tái cơ cấu lại nền nông nghiệp để phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục