BNEWS
Cà phê quả tươi có giá bán 8.000 đồng/kg, thì hiện nay chỉ còn từ 3.500 - 4.000 đồng/kg. Những người dân trồng cà phê ở Mường Ảng cho biết họ sẽ phải chịu lỗ 21 triệu đồng/ha.
Với gần 3.350 ha, huyện Mường Ảng là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất tỉnh Điện Biên. Cà phê ở Mường Ảng đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng giá bán chỉ bằng một nửa so với năm trước khiến người dân trồng cà phê nơi đây như "ngồi trên đống lửa".
So với cùng kỳ năm ngoái, cà phê quả tươi có giá bán 8.000 đồng/kg, thì hiện nay chỉ còn từ 3.500 - 4.000 đồng/kg. Với giá bán này, những người dân trồng cà phê ở Mường Ảng cho biết họ sẽ phải chịu lỗ 21 triệu đồng/ha.
Ông Đỗ Văn Vui, bản Tọ Cang (xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng) cho biết, gia đình ông có 5 ha cà phê, đang đến vụ thu hoạch, nhưng giá bán quá thấp nên không chỉ gia đình ông mà còn nhiều gia đình khá rất lo lắng.
Ông Vui mong rằng, trong thời gian tới, tỉnh tìm kiếm nhiều đầu ra cho sản phẩm cà phê, đồng thời có chính sách hỗ trợ để người dân trồng cà phê bán không bị mất giá.
Đặc biệt, hầu hết người dân trồng cà phê ở bản Tọ Cang đều khó khăn vì không có điện lưới vào vườn nên người dân phải tự bỏ chi phí ra kéo điện. Mặt khác, đường sá cũng không được thuận lợi khiến các loại chi phí vận chuyển cũng tốn kém.
Bà Nguyễn Thị Tươi, bản Tọ Cang cũng cho biết, gia đình bà có gần 13 ha cà phê. Năm ngoái mất mùa thì được giá, năm nay được mùa lại mất giá.
Nếu như chở ra trung tâm huyện bán cà cà phê tươi có giá 4.000 đồng/kg nhưng lại phải thuê xe vận chuyển; nếu bán tại vườn giá chỉ ở mức 3.500 đồng/kg.
Bà Tươi đề nghị chính quyền quan tâm hơn đối với người trồng cà phê bởi hiện nay người dân còn nhiều diện tích đất có thể trồng cà phê nhưng cứ mất giá liên tục nên người dân không dám trồng thêm.
Từ năm 2008 đến nay, hàng năm huyện Mường Ảng trồng mới từ 250 ha đến 500 ha, nâng tổng số cà phê hiện nay lên hơn 3.350 ha, tăng gấp 10 lần so với năm 2008.
Cây cà phê được trồng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Ảng; trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực thị trấn, xã Ẳng Cang, Ẳng Tở, Ẳng Nưa.
Thực tế cho thấy, cây cà phê phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Mường Ảng nên phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Để cây cà phê cho năng suất cao, người dân Mường Ảng cũng phải mất rất nhiều công đoạn ngặt nghèo từ khâu trồng đến chăm sóc, thu hái và bảo quản.
Tuy nhiên, do suất đầu tư cao, trong khi phần lớn người dân ở Mường Ảng không chủ động được nguồn vốn để đầu tư cho cây trồng này nên nhiều hộ phải vay vốn của ngân hàng để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí làm cỏ. Bởi vậy nếu giá bán không đảm bảo, việc người dân phải bù lỗ là điều tất yếu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng Nguyễn Hữu Hiệp, những năm gần đây, cây cà phê trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Giá cả không ổn định, ngày càng xuống thấp khiến thu nhập của người dân trồng cà phê không được đảm bảo.
Chính quyền huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân như trồng xen các loại cây giá trị kinh tế cao, đưa một số mô hình chăn nuôi vào để tăng thu nhập nhưng chưa giúp được nhiều.
Thực tế, trong những năm qua huyện Mường Ảng luôn xác định cà phê là cây chủ lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Ảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã xác định đến năm 2020, huyện phải duy trì và phát triển đạt 3.800 ha cây cà phê.
Thế nhưng để thực hiện được Nghị quyết còn rất nhiều khó khăn khi điệp khúc “được mùa, mất giá” hay “được giá, mất mùa” cứ thay phiên nhau làm khổ người dân trồng cà phê ở Mường Ảng.
Vấn đề này, ông Hiệp cho hay, nhiệm vụ trước mắt là phải duy trì cà phê hiện có rồi mới có thể phát triển thêm. Trong thời gian qua, chính quyền huyện đã tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, thông qua các hội nghị để từng bước quảng bá, giới thiệu cà phê Mường Ảng, làm sao người dân trong tỉnh, cả nước và nước ngoài biết đến thương hiệu cà phê Mường Ảng để kích thích tiêu thụ cà phê. Như vậy mới có thể nâng giá cà phê lên cao.
Hiện tại, với gần 3.350 ha cây cà phê, mỗi năm cho thu hàng nghìn tấn quả, nhưng Mường Ảng chỉ có 3 cơ sở chế biến cà phê là: Công ty TNHH Hải An, cơ sở chế biến cà phê Trường Xuân và cơ sở chế biến cà phê Đại Bách. Lượng thu mua cà phê của 3 cơ sở này không lớn. Vì vậy, sản phẩm cà phê Mường Ảng đều phụ thuộc vào thị trường tự do. Thị trường tiêu thụ hạn hẹp cũng là một phần khiến giá bán cà phê không được ổn định.
Tại buổi giám sát về tình hình phát triển cây cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng, bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên cho biết, mặc dù địa phương bàn đến việc phát triển cây cà phê nhưng chưa có những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho người dân.
Do đó, vụ cà phê này người dân chịu lỗ hơn 20 triệu/ha so với đầu tư cũng là điều đáng lo ngại. Cà phê và chè cũng là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh, bởi vậy huyện Mường Ảng vẫn cần đảm bảo mục tiêu phát triển cây cà phê trên địa bàn.
Trong thời gian tới, HĐND tỉnh sẽ phối hợp với UBND tỉnh để xem xét và có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho người dân trồng cà phê trên địa bàn./.
Trịnh Xuân Tư