Tăng sản phẩm chế biến sâu cà phê, hồ tiêu

09:21' - 28/09/2015
BNEWS Hàng năm, 90% sản lượng cà phê của Việt Nam được xuất khẩu, đa phần là chế biến khô, chất lượng không đồng đều.

Quả cà phê thu hoạch chuẩn bị được đưa vào chế biến. Nguồn: TTXVN

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ nay đến năm 2020 và định hướng 2030, cả nước vẫn chưa cần xây dựng thêm các cơ sở chế biến mới cà phê, hồ tiêu, chỉ chú trọng đầu tư bổ sung, đổi mới công nghệ, thiết bị để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, đầu tư nghiên cứu thay đổi cơ cấu mặt hàng theo hướng tăng sản phẩm chế biến sâu, chất lượng tốt, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê, hồ tiêu.

Cụ thể, riêng với cà phê, đến năm 2020, tỷ lệ cà phê tiêu dùng (cà phê chế biến sâu, gồm rang xay, cà phê hòa tan) phấn đấu đạt trên 25% trong tổng sản lượng cà phê nhân; trong đó, sản lượng cà phê rang xay đạt trên 50.000 tấn sản phẩm/năm, cà phê hòa tan các loại đạt trên 255.000 tấn/ năm

Theo thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cà phê, hồ tiêu là cây trồng phục vụ xuất khẩu, gắn chặt với cung cầu của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sản phẩm cà phê, hồ tiêu chủ yếu là xuất khẩu thô nên giá trị gia tăng thấp.

Hiện cả nước có trên 641.700 ha cà phê; trong đó, có trên 580.000 ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng gần 1,4 triệu tấn cà phê nhân/năm; trong đó, các tỉnh Tây Nguyên có 573.000 ha cà phê, với diện tích cho thu hoạch gần 532.500 ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn cà phê nhân.

Hàng năm, 90% sản lượng cà phê của Việt Nam được xuất khẩu, nhưng chủ yếu vẫn là cà phê nhân xô, với đa phần là chế biến khô, chất lượng không đồng đều, tỷ lệ hạt vỡ cao nên giá bán thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Niên vụ 2013- 2014, cả nước đã xuất khẩu 1,395 triệu tấn cà phê nhân, nhưng chỉ thu về được 3,55 tỷ USD.

Sản phẩm hồ tiêu của một hộ nông dân chuẩn bị đưa vào nhà máy để chế biến xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, khi bán 1 kg cà phê với giá thành như hiện nay, các nông hộ, doanh nghiệp thu được gần 2 USD, tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê (đã được pha chế) ở các nước nhập khẩu cà phê, trong khi đó, 1 kg cà phê thì pha chế được 50 ly cà phê.

Cũng theo các chuyên gia, công nghiệp chế biến sâu cà phê sẽ nâng giá trị gia tăng cà phê lên ít nhất gấp 3 lần trở lên so với cà phê nhân xuất khẩu thô.

Thực tế, ở Viêt Nam có nhiều nhà máy chế biến cà phê từ chế biến thô đến chế biến sâu nhưng chưa được khai thác hết công suất.

Cụ thể, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, với công suất thiết kế 1,503 triệu tấn /năm, 160 cơ sở chế biến cà phê bột (cà phê rang xay), với tổng công suất thiết kế trên 51.660 tấn sản phẩm/năm, công suất thực tế chỉ có trên 26.000 tấn/năm, 8 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, với tổng công suất thiết kế 36.480 tấn sản phẩm/năm nhưng vẫn chưa hoạt động hết công suât./.

Quang Huy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục