Nông dân vùng kiểm soát lũ phát triển rau màu, phá thế độc canh cây lúa

13:16' - 08/08/2021
BNEWS Việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân thay cho mô hình sản xuất độc canh cây lúa, thu nhập bấp bênh trước đây.
Nhằm phát huy tiềm năng đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng trên nền đất lúa, từ đầu năm đến nay, nông dân các huyện đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) gồm: Cai Lậy và Cái Bè đã mở rộng diện tích cây màu thực phẩm các loại lên trên 5.200 ha.

Theo đó, huyện Cái Bè trồng được 2.264 ha, huyện Cai Lậy trồng được trên 1.900 ha; lần lượt đạt 65,34% và 67,08% chỉ tiêu cả năm. Nông dân địa phương đã thu hoạch đạt sản lượng trên 83.000 tấn rau màu các loại cung ứng thị trường.

Đáng chú ý, các địa phương đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang còn triển khai kế hoạch chuyển đổi đất lúa nằm giữa Quốc lộ 1 và đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sang trồng rau màu, cây ăn trái hoặc cây trồng thích hợp khác. Việc chuyển đổi này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân thay cho mô hình sản xuất độc canh cây lúa, thu nhập bấp bênh trước đây.

Đặc biệt, các xã nằm trong vùng Đồng Tháp Mười như: Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè); Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) còn chú trọng mở rộng diện tích dưa hấu lên hàng nghìn ha, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa rộng lớn. Dưa hấu tại đây được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh, hàng năm mang lại cho bà con nguồn lợi kinh tế đáng kể.

Việc chuyển giao khoa học công nghệ trên lĩnh vực thâm canh rau màu được hết sức chú trọng. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Cái Bè, Cai Lậy đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt phục vụ thâm canh rau màu thu hút gần 1.000 lượt nông dân tham gia.

Huyện Cái Bè còn triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác dưa lưới” trong nỗ lực phổ cập rộng rãi khoa học công nghệ, nâng cao trình độ canh tác cho nông dân địa phương.

Trong vụ 1 của mô hình, nông dân đã thu hoạch gần 1.000 kg sản phẩm, giá bán loại I đạt 29.000 đồng/kg, loại II đạt 19.000 đồng/kg, loại III 5.000 đồng/kg, tổng thu gần 20 triệu đồng và đang tiếp tục sản xuất vụ 2 với số lượng 1.300 cây giống. Dự kiến vụ thứ II sẽ thu hoạch trong những ngày tới với sản lượng ước khoảng 1,2 tấn sản phẩm.

Ngoài ra, được sự định hướng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, bà con các huyện đầu nguồn sông Tiền chú trọng chọn những giống rau màu phù hợp địa hình, thổ nhưỡng vùng đất thường xuyên bị ngập lũ hàng năm, có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất kết hợp trong những mô hình hiệu quả như: luân canh lúa + màu, chuyên canh màu trên nền đất lúa…Những cây màu chủ lực gồm: dưa hấu, dưa leo, đậu các loại, khổ qua, bầu, mướp, rau ăn lá…

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong các vụ sản xuất liên tiếp Đông Xuân và Hè Thu vừa qua, năng suất các loại rau màu đều đạt khá và đầu ra nông sản hàng hóa ổn định, nhiều loại rau màu được giá nên nông dân trồng rau màu bội thu. Lợi nhuận mang lại cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa năng suất cao.

Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân các huyện đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang phát huy tiềm năng và thế mạnh cây rau màu trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo cơ cấu sản xuất đa dạng và mang lại hiệu quả cao, giúp nông nghiệp – nông thôn đồi mới và đời sống nông dân được nâng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục