Nông nghiệp 4.0: Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc nhưng cần có cách làm phù hợp

18:24' - 12/07/2018
BNEWS Việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu.
Hội thảo chuyên đề "Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững". Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng tích hợp kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi bản nền sản xuất của thế giới; tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản trị... Nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này, nhưng cần có những bước đi và cách làm phù hợp.
Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học tại hội thảo chuyên đề với chủ đề “Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững" diễn ra chiều 12/7 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh - Industry 4.0 Summit 2018 diễn ra từ ngày 12-13/7/2018 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, công nghiệp lần thứ tư là yếu tố quan trọng đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp với ba trụ cột chính. Một là ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa.
Hai là thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết theo mô hình doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với hình thành thương hiệu, phát triển thị trường và bền vững với môi trường.
Ba là cải cách thể chế thực chất, nghiêm túc, hiệu quả hơn, tạo môi trường minh bạch, giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp, nhà sản xuất khu vực trong và ngoài nhà nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hội nhập kinh tế quốc tế tiếp cập và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tiến tới một nền nông nghiệp thông minh, bền vững.
“Việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để thành công cần sự nỗ lực, phối hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng, bền vững giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Từ thực trạng nước ta hiện nay, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá, nông nghiệp khó có thể ứng dụng 4.0 theo phương thức “dàn hàng ngang” cùng tiến, mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp áp dụng đối với mỗi loại sản phấm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội mỗi vùng, miền. Lựa chọn những giải pháp hiệu quả, bước đi linh hoạt để xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi gắn với ứng dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường và thị trường tiêu thụ.
Nhìn từ chính địa phương mình, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh phải là trên cở sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là vấn đề cốt lõi để nhận diện nông nghiệp thông minh từ đó có cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả.
Trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc và phải tiếp cận nhanh song không nóng vội chạy theo phong trào. Quá trình phát triển cần theo phương châm: “đi ngay, đi nhanh và đi chính xác cây trồng, vật nuôi, công nghệ phù hợp, mục tiêu lấy hiệu quả làm chính”, phấn đấu đến năm 2020 có mô hình nông nghiệp thông minh 4.0, ông Phạm S nhìn nhận.
Về hạ tầng nông nghiệp thông minh, Việt Nam có các nhà cung cấp giải pháp IoT như: Tập đoàn Viettel, Công ty cổ phần dịch vụ công nghiệp IoT – IoT Group, Tập đoàn FPT… Cùng với đó cũng đã có khoảng trên 30 đơn vị sử dụng như: Học viện Nông nghiệp Hà Nội, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH True Milk, Tập đoàn Thành Thành Công…
Theo ông Phạm S, các trường đại học cần đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới theo xu thế thời đại phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0. Các viện nghiên cứu cần có chiến lược nghiên cứu phần mền và phần cứng ứng dụng giải pháp IoT, tạo ra các công nghệ mới có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0.
Các địa phương cũng cần đào tạo nguồn nhân lực toàn diện các đối tượng trực tiếp tham gia nông nghiệp 4.0 bao gồm: nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Đồng thời, có chính sách khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển có chọn lọc, hiệu quả nhất nông nghiệp thông minh 4.0.
Với phương châm đưa công nghệ cao, công nghệ sạch để phát triển bền vững, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH cho biết, TH đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý đàn bò của Isreal để quản lý sức khỏe đàn bò; quản lý chất lượng, sản lượng, thành phần sữa. Cùng hệ thống vắt sữa tự động, hiện đại với quy trình vệ sinh vắt sữa hoàn hảo, sữa được kiểm soát chất lượng ngay từ đầu.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, TH cũng đang áp dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt. Hầu hết các khâu đều được cơ giới hóa, hiện đại hóa để tiết giảm chi phí, bảo đảm chất lượng tốt, đồng đều.
Từ những dự án công nghệ cao của Tập đoàn TH, ông Ngô Minh Hải cho rằng, các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đều gắn với vùng nguyên liệu, tới đất đai và hợp tác với nông dân. Tuy nhiên vấn đề đất đai và hợp tác với nông dân vẫn là vấn đề nóng.

Để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp hóa chúng ta cần xây dựng cơ chế để chính quyền, doanh nghiệp và người dân trở thành một mối quan hệ bền chặt, các bên đều có lợi. Đưa người nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất khép kín ứng dụng công nghệ cao để tạo việc làm cho người dân địa phương và phát huy lợi thế vùng miền.
Các địa phương khi chấp nhận và phê duyệt các dự án đầu tư cần đảm bảo quỹ đất và bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp. Có cơ chế khuyến khích, “lôi kéo” doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao để phát huy lợi thế của đất, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững, ông Ngô Minh Hải kiến nghị.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng giúp công ty có thương hiệu vững vàng như hiện nay, ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) cho biết, công ty đã sớm đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống đậu nành. Đến nay, công ty đã có những giống đậu nành cho năng suất đạt 2,5-2,8 tấn/ha trong khi năng suất các giống bình thường hiện nay chỉ đạt 1,5-1,8 tấn/ha.
Cùng với đó, công ty cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa trong canh tác. Tuy nhiên, ông Ngô Văn Tụ cho rằng, vấn đề hạn chế của Việt Nam so với nhiều nước là ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ.

Chúng ta khó có thể đưa những máy móc hiện đại như của các nước vào ứng dụng sản xuất. Do đó, tùy theo thực trạng cánh đồng của mỗi vùng mà có các giải pháp phù hợp; nghiên cứu những thiết bị, công cụ có thể cơ giới hóa phù hợp, giúp cải thiện một phần sức lao động, chi phí cho nông dân./.

>>>Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về phát triển Nông nghiệp Xanh tại Diễn đàn ECOSOC

>>>Việt Nam cam kết hướng đến phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục