Việt Nam cam kết hướng đến phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững

12:09' - 11/07/2018
BNEWS Đây là thông tin Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Italy ngay bên lề kỳ họp lần thứ 33 của COFI.

Việc Chính phủ Việt Nam ngày 9/7 ra quyết định tham gia Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) nhằm ngăn chặn, chống lại hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã nhận được phản ứng hết sức tích cực của Ủy ban Nghề cá (COFI) thuộc FAO và dư luận quốc tế.

Đây là thông tin mà ông Nguyễn Ngọc Oai, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Italy ngay bên lề kỳ họp lần thứ 33 của COFI diễn ra từ ngày 9 đến 13/7 tại trụ sở của FAO ở Rome, thủ đô Italy.

Cũng theo ông Nguyên Ngọc Oai, sự kiện này càng có ý nghĩa hơn nữa khi được chính thức công bố đúng vào dịp kỳ họp định kỳ của COFI, trước các quan chức FAO và đại diện cấp cao nghề cá của các nước thành viên trên thế giới. Lãnh đạo của COFI và các đoàn đại biểu đánh giá cao quyết định này của Chính phủ Việt Nam, coi đây là động thái thể hiện cam kết trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế, hướng đến mô hình nghề cá phát triển bền vững của Việt Nam.

Với việc tham gia PSMA, hiệp định quốc tế quan trọng đầu tiên với nghề cá, Việt Nam sẽ tập trung vào việc nội hóa các khung pháp lý cho phù hợp, áp dụng vào hoạt động đánh bắt thủy, hải sản tự nhiên; tăng cường quản lý tàu cá nước ngoài cập cảng, nguồn thủy hải sản đánh bắt tự nhiên nhập khẩu, tăng cường trao đổi thông tin giữa các bên có liên quan và quản lý, giám sát hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Hiệp Định PSMA theo đúng các qui định hiện hành. Cuộc họp định kỳ của COFI cũng là dịp để các quốc gia có nghề cá cùng nhau trao đổi các vấn đề mới nhất, các thách thức, cơ hội có liên quan đến việc khai thác nguồn tài nguyên hải sản.

Được FAO thông qua vào tháng 11/2009, tính đến tháng 5/2018, PSMA đã có 54 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) tham gia. Trong đó, EU, Mỹ và Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu quan trọng đối với ngành đánh bắt hải sản tự nhiên của Việt Nam.

COFI là cơ quan trực thuộc Hội đồng của FAO, được thành lập từ năm 1965. Hiện nay COFI đang là diễn đàn liên chính phủ có quy mô toàn cầu có chức năng xem xét, khuyến cáo các chính phủ, tổ chức nghề cá khu vực, các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề lớn có liên quan đến đánh bắt thủy, hải sản tự nhiên./.

>>> Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Tiến tới nghề cá có trách nhiệm

>>> Cơ hội và thách thức của ngành khai thác hải sản - Bài 2: Tận dụng cơ hội mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục