Nông nghiệp sinh thái – hướng đi bền vững cho tương lai

10:26' - 23/08/2022
BNEWS Phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nông nghiệp đã, đang và sẽ vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn.

 

Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trình độ, học vấn của nông dân nước ta từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới. Phát triển nông nghiệp sinh thái được xác định là hướng đi bền vững cho tương lai.

Kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử

Hơn 10 năm về nghỉ hưu thì cũng từng ấy thời gian ông Nguyễn Công Bách ở thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương gắn bó với công việc “làm đẹp cho quê hương”. Không quản ngày, đêm, ông cùng cán bộ thôn đi vận động người dân hiến đất mở rộng đường giao thông, lắp biển báo chỉ dẫn, trồng và chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên nhà văn hóa thôn, đường giao thông. Việc làm tự nguyện của ông đã lan tỏa trong cộng đồng.

Ý Đảng, lòng dân hòa hợp đã tạo nên sức mạnh cộng hưởng. Mỗi người một phần việc, góp sức làm nên những công trình lịch sử của quê hương. Năm 2014, Bạch Đằng được công nhận xã nông thôn mới, là một trong hai xã của thị xã Kinh Môn về đích xã nông thôn mới ngay từ giai đoạn đầu. Trên 80% gia đình trong thôn đạt danh hiệu “Gia đình kiểu mẫu”, nhiều gia đình xây dựng thành công mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu”. Đó chính là những nhân tố quan trọng, góp phần làm nên một xã nông thôn mới kiểu mẫu Bạch Đằng.

Ông Nguyễn Công Bách cho rằng bây giờ và cả về sau, ông chưa hề có ý định từ bỏ việc vận động người dân góp công sức xây dựng nông thôn mới. Theo ông Bách, đây là việc làm rất thiết thực nên khi còn sức khỏe và điều kiện sẽ tiếp tục phục vụ mọi người và cũng là làm đẹp cho quê hương, đất nước.

Tính đến tháng 2/2022, cả nước có 5.650 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 561 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 221 huyện thuộc 54 tỉnh, thành phố đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp, khang trang, văn minh. Trong 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, cả nước đã huy động được hơn 2.400.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là gần 320.000 tỷ đồng, nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm khoảng 8,2%. Người dân cả nước đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm nông thôn mới.

Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, Hải Dương Nguyễn Văn Ngạn khẳng định, nguyên nhân làm nên sự thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chính là sự đoàn kết của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong toàn xã.

Có thể thấy, khu vực nông thôn nước ta đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ -TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản.

Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Nông nghiệp sinh thái - hướng đi bền vững cho tương lai

Phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nông nghiệp đã, đang và sẽ vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID -19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực nước ta. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỷ USD năm 2021.

Hiểu rõ vai trò to lớn của dinh dưỡng và vấn đề an toàn thực phẩm với sức khỏe con người, đặc biệt là người bệnh, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã đầu tư xây dựng hệ thống trang trại chuyên sản xuất thực phẩm sạch, an toàn tuyệt đối từ trang trại đến bàn ăn.

Hiện nay, với hơn 20 ha đất nông nghiệp, bệnh viện đã đầu tư xây dựng trang trại trồng rau, nuôi lợn, gà, thả cá... theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, nhằm đảm bảo 100% bệnh nhân, người thăm nuôi và hơn 1.000 nhân viên bệnh viện được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Nguyễn Văn Học cho biết, quy mô, diện tích và sản lượng của công ty hiện nay còn khá khiêm tốn, chưa mang tính đại diện cho địa phương nhưng với cách làm đặc biệt đã khiến cho cộng động các bệnh viện tư nhân, các thầy thuốc và bệnh nhân nhìn thấy hiệu quả.

Trên thực tế cách làm này đang lan tỏa và xuất hiện những mô hình tương tự như thế ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau, hình thành trong khu vực tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và thậm chí nhiều bệnh viện khác trên cả nước. Theo ông Nguyễn Văn Học, nhiều đơn vị đã đến đây tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm để áp dụng ở các địa phương khác.

Việc đầu tư hệ thống trang trại để sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn của bệnh viện, không coi trọng lợi nhuận lên hàng đầu mà đặt mục tiêu chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế lên trên hết đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân cũng như các nhà khoa học.

Nhiều ý kiến cho rằng, cách làm này rất phù hợp với xu hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp trong tương lai, đồng thời phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí cho bệnh nhân, nhất là với những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn.

Cũng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ xuất hiện ở nhiều địa phương. Anh Nguyễn Đức Chinh, chủ trang trại Gen Xanh, huyện Phúc Thọ, Hà Nội là một trong những kỹ sư đã từng du học và làm việc nhiều năm ở nước ngoài, nhưng anh vẫn quyết định quay về quê hương với tâm huyết đem những kiến thức về nông nghiệp mình đã học được để gây dựng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa bảo vệ môi trường, vừa tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. “Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, hóa học, dẫn đến ngộ độc cấp và mãn tính. Trước tình trạng đó, mình quyết định chuyển sang sản xuất hữu cơ, không dùng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật nào nên rất an toàn cho người tiêu dùng”, anh Chinh khẳng định.

Bên cạnh việc xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông dân ở nhiều làng nghề truyền thống cũng mạnh dạn thay đổi tư duy, quy trình sản xuất vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Trong hàng trăm hộ dân sản xuất rượu gạo truyền thống ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội, chỉ riêng sản phẩm của gia đình ông Nguyễn Đức Long được công nhận đạt tiểu chuẩn của OCOP. Ông Long cho hay, ngoài kinh nghiệm gia truyền, muốn cạnh tranh và tồn tại trên thị trường cần phải tuân thủ tất cả các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm như khử andehit, methanon… để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Đổi mới mạnh mẽ, đột phá trong tổ chức sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng… được xác định là hướng đi bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam. Nghị quyết số 19- NQ/TW khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới được Ban Chấp hành Trung ương ban hành đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nghị quyết xác định, nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục