Nông nghiệp Trung du và miền núi Bắc bộ chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa

12:17' - 20/09/2019
BNEWS Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã có tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 4,87%/năm; trong khi cả nước là 4,6%.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, khu vực đã có sự phát triển rất ấn tượng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo ra bức tranh rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Việc khai thác điều kiện lợi thế tự nhiên, dư địa phát triển, sản xuất nông nghiệp trong vùng đã có bước chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Giai đoạn 2004 – 2018, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng đạt bình quân 4,87%/năm; trong khi cả nước là 4,6%.

Chẳng hạn là việc hình thành một số vùng cây sản xuất hàng hóa như: chè, lúa, cây ăn quả…; trong đó, có vùng cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước với 174.000 ha, tăng 48.000 ha so với năm 2004. Trong sản xuất lâm nghiệp, vùng đã có  tỷ lệ che phủ rừng tăng khá cao, từ 42,9% lên 55,6%, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La trong giai đoạn trên, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, tỉnh phát triển kinh tế gắn với từng giai đoạn; tập trung phát chuyển đổi cơ cây trồng kém hiệu quả là ngô sang cây ăn quả; chú trọng xây dựng, phát triển hợp tác xã để qua đây triển khai các đề án phát triển kinh tế. Về chính sách, tỉnh cũng xây dựng hỗ trợ theo từng thời kỳ phát triển, ban đầu là hỗ trợ trực tiếp các hộ, sau đó là hợp tác xã và hiện nay là các đơn vị chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Thành Công cũng kiến nghị, trong giai đoạn tới, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ không nên hỗ trợ theo từng tỉnh mà nên vào vùng có định hướng sản xuất hàng hóa.

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN 
Trong giai đoạn 2014-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng nông nghiệp trên địa bàn vùng với tổng kinh phí là 18.225 tỷ đồng, bằng 16,4% tổng vốn do Bộ quản lý. Tuy nhiên, nếu không tính những dự án lớn như Hồ Cửa Đạt, Hồ Bản Mồng, ADB6 (dự án Bắc sông Chu - Năm sông Mã) thì tổng vốn đầu tư cho các tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ chỉ chiếm 9,15%.

Việc xây dựng mới, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp của vùng đã góp phần cấp nước ổn định đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân trong vùng; giảm lũ cho hạ du; duy trì dòng chảy tự nhiên; tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn chung sản xuất hàng hóa nông nghiệp vẫn ở hình thức nhỏ lẻ, manh mún; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch phần lớn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Do đó, giá trị sản xuất, lợi thế cạnh tranh, thu nhập của người dân còn thấp. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới của vùng đều thấp, trung bình đạt gần 27%, thấp hơn so với bình quân chung cả nước là gần 51%, đặc biệt là tiêu chí về hạ tầng.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thời gian tới, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Lâm nghiệp đã có tỷ lệ che phủ rừng cao, thời gian tới cần nâng cao chất lượng rừng, chuyển đổi phát triển rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn, đẩy mạnh chế biến lâm sản để tăng giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, các địa phương đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du miền núi phía Bắc. Các chính sách đối với vùng này cần cụ thể, mang tính đặc thù; đặc biệt là chính sách về hạ tầng giao thông. Từ đó, kết nối các địa phương trong vùng để không chỉ phát triển nhỏ lẻ từng tỉnh mà có tính chất chung của vùng, phát triển thế mạnh chung của vùng gắn với thế mạnh địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục