Nông nghiệp tuần hoàn - Bài cuối: Nhân rộng chuỗi giá trị

10:38' - 25/03/2023
BNEWS Nông nghiệp tuần hoàn đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh, bền vững đã được chứng thực về mặt lợi ích kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề phát thải ra môi trường.

Nông nghiệp tuần hoàn đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh, bền vững đã được chứng thực về mặt lợi ích kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề phát thải ra môi trường. Tuy nhiên, các mô hình này chưa được triển khai một cách rộng rãi vì nhiều lý do, bao gồm cả nhận thức cũng như cơ chế, nguồn lực đầu tư.

 

Chính vì vậy, muốn đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp cũng như có chính sách hỗ trợ phát triển một cách toàn diện.
* Thay đổi tư duy
Ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho rằng: Suốt thời gian dài nông dân Việt Nam chỉ tập trung vào việc tăng năng suất, sản lượng sản phẩm chính mà bỏ qua giá trị của các phụ phẩm và chưa nhận thức đầy đủ được tác động của hoạt động sản xuất đến môi trường.
Tư duy về kinh tế tuần hoàn tại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, hợp tác xã còn sơ khai với tâm lý ngại rủi ro. Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy nông nghiệp theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tái tạo là vô cùng cần thiết.
Cùng nhận định, bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng: Quy mô phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất của Việt Nam.

Điều này xuất phát từ tư duy coi các loại phụ phẩm là rác thải, chưa coi đó là tài nguyên cần được tái tạo để tiếp tục tuần hoàn. Mặt khác, với quy mô sản xuất trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ nên năng lực tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ của nông dân, hợp tác xã hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế,  chưa thực sự được quan tâm.
Chia sẻ góc nhìn về kinh tế tuần hoàn từ những kinh nghiệm thực tiễn, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Kinh tế tuần hoàn không phải một mô hình lựa chọn mà là tất yếu của phát triển bền vững, nền tảng của kinh tế xanh.

Tuy nhiên, mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tuần hoàn không nên bị trói buộc vào khuôn mẫu cố định mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi tổ chức, nông hộ, ở đây tư duy thiết kế là quan trọng nhất.
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, xuất phát là một nông dân khởi nghiệp trồng mía trên đất phèn đến xây dựng thành công chuỗi nông nghiệp tuần hoàn như hiện nay đã rút ra bài học kinh nghiệm: Làm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp bền vững theo mô hình tuần hoàn không khó, nhưng phải nhận thức đúng về cơ chế vận hành của chuỗi và kiên trì trong thời gian dài mới ghi nhận hết lợi ích của nó.
“Nhận thức là vô cùng quan trọng, với các trang trại quy mô lớn thì nhận thức từ người đứng đầu là chưa đủ mà đòi hỏi tất cả mọi nhân viên phải hiểu được giá trị, ý nghĩa của công đoạn mình làm trong chuỗi. Điển hình như việc người xử lý cỏ trong các vườn cây phải hiểu tại sao không phơi khô rồi đốt cho nhanh mà tốn công vùi xuống đất vì mục đích và lợi ích đem lại hoàn toàn khác nhau. Một bên đơn thuần là dọn sạch cỏ, còn một bên là sử dụng cỏ để tạo ra sinh khối, cải tạo lại đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.”, ông Võ Quan Huy chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, nhận thức, tư duy đóng vai trò quan trọng trong việc thức đẩy các mô hình kinh tế. Chính vì vậy, cần thiết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông về giá trị của phụ phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh. Từ đó thu hút sự quan tâm, thay đổi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về kinh tế nông nghiệp bền vững.

*Hoàn thiện chính sách
Mặc dù, kinh tế tuần hoàn nói chung và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng được nhắc đến nhiều như một xu hướng nhưng trên thực tế lại chưa có hệ thống chính sách cụ thể nào để thúc đẩy phát triển một cách toàn diện.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: Hậu Giang đã chủ động triển khai xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thông qua Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với 3 mô hình trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí khuyến nông đặc thù trong năm 2022, tỉnh đã triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn cho 16 hộ, kế hoạch năm 2023 sẽ triển khai thêm 10 hộ; trong đó, ngành nông nghiệp hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống, vật tư, thiết bị cho các hộ tổ chức sản xuất.
Theo ông Ngô Minh Long, chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là mô hình triển vọng cho việc gia tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản pháp lý nào cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn nói chung, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn nói riêng.

Vì thế, việc triển khai mô hình chưa nhận được sự điều tiết hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách hợp lý. Với các chuỗi kinh tế tuần hoàn quy mô lớn, gồm nhiều đối tượng tham gia, yêu cầu phải tư duy quản lý hệ thống và đầu tư kinh phí tương đối lớn nên việc đối ứng kinh phí của các nông hộ gặp khó khăn nhưng lại chưa có cơ sở để bổ trí nguồn lực hỗ trợ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nêu vấn đề, “điểm nghẽn” hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác là vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường.

Lấy ví dụ, chăn nuôi bò hiện nay đang ở mức tăng trưởng cao nhưng lại không có quy hoạch đồng cỏ. Các trang trại muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi đến thu mua tại các nhà máy chế biến nông sản, mua bã, thân, cành cây… thì không vận chuyển được vì nó được coi là chất thải theo Luật Môi trường.
“Do đó, không chỉ cần xây dựng chính sách thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn mà trước tiên cần phải điều chỉnh, sửa đổi những quy định hiện hành không phù hợp, gây cản trở sự phát triển.”, ông Công nêu kiến nghị. 
Ông Nguyễn Văn Bắc, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường trực tại Nam bộ đề xuất, để khuyến khích phát triển nông nghiệp tuần hoàn thì cần có tiêu chuẩn đánh giá chuỗi tuần hoàn. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  cần có những buổi đối thoại doanh nghiệp về nông nghiệp tuần hoàn để có thể nắm bắt thông tin và điều chỉnh các chính sách phù hợp thực tiễn; các cơ quan, doanh nghiệp phối hợp cùng hệ thống khuyến nông để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
Cụ thể, ban hành thể chế, chính sách về khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bao gồm tuần hoàn hở gắn các khâu khác nhau, tuần hoàn kín để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đồng thời, điều chỉnh một số chính sách hiện hành để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình, dự án kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thông qua mặt bằng đất nông nghiệp sạch; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết trị, công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực thu gom, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chất thải từ hoạt động chăn nuôi để nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục