“Nghị quyết 68: Cú hích lịch sử đưa kinh tế tư nhân thành trụ cột”

18:24' - 13/05/2025
BNEWS Nghị quyết 68-NQ/TW là bước ngoặt lớn, khơi thông điểm nghẽn thể chế, tiếp thêm khí thế cho kinh tế tư nhân vươn lên vai trò trụ cột, đóng góp mạnh mẽ vào nền kinh tế quốc dân.

Với tinh thần "không nghỉ, không giới hạn", Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân như một cú hích lịch sử, mở đường cho khu vực này bứt phá, đóng vai trò là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khẳng định vai trò trụ cột

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương hoan nghênh tinh thần mới trong Nghị quyết 68, gọi đây là “bước đi đúng, trúng và đầy khí chất hành động của Bộ Chính trị và bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm đăng trên các cơ quan báo chí ngày 11/5/2025 có thể xem là một cột mốc quan trọng trong tư duy lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn mới.

“Chúng tôi là người trong cuộc, chứng kiến rõ sự trưởng thành của kinh tế tư nhân trong hàng chục năm qua. Nhìn vào Bình Dương sẽ thấy rõ rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành lực lượng sản xuất chủ lực, tạo việc làm, thu hút đầu tư và xuất khẩu. Nhờ sự năng động, sáng tạo và dấn thân của doanh nghiệp tư nhân mà đất nước có thêm động lực bứt phá”, ông Xô khẳng định.

Không chỉ ghi nhận thành tựu, ông Phạm Văn Xô đặc biệt tâm đắc với tinh thần cải cách thể hiện rõ trong từng câu chữ của Nghị quyết: "Không cấm là được làm. Không nghỉ là không giới hạn. Tinh thần ban hành nghị quyết vào cuối tuần, số hiệu 68 - ngày làm việc bình thường của công nhân, cũng mang một biểu tượng tinh thần rất rõ ràng: Bộ Chính trị đang hành động cùng với doanh nghiệp. Không để tư nhân đơn độc bơi trong cơ chế."

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Xô, điều quan trọng nhất hiện nay là giai đoạn triển khai Nghị quyết 68 vào thực tiễn cuộc sống, một quá trình không hề đơn giản. "Nghị quyết đã đúng, đã trúng, nhưng nếu không được thực thi một cách nhất quán, quyết liệt thì vẫn có nguy cơ bị “xem nhẹ” khi xuống tới cơ sở", ông Xô cảnh báo.

Vì vậy, cần sớm tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề để quán triệt tinh thần Nghị quyết đến toàn bộ đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là những người trực tiếp quản lý doanh nghiệp, thực thi pháp luật, thanh – kiểm tra và hỗ trợ thị trường.

Ông Xô cũng đề xuất cần có cơ chế giám sát độc lập việc thực hiện Nghị quyết tại các địa phương, tránh tình trạng “trên nóng – dưới lạnh”. Song song đó, việc rà soát, cắt bỏ các quy định chồng chéo, không còn phù hợp trong các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, cũng cần được triển khai nhanh chóng. "Chỉ khi nào tư duy quản lý chuyển từ "xin – cho" sang phục vụ doanh nghiệp, lúc đó kinh tế tư nhân mới thực sự được giải phóng đúng với tiềm năng và vị trí mà Nghị quyết 68 đã ban hành", ông Xô nhấn mạnh.

Doanh nghiệp kỳ vọng

Ông Lê Như Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BCONS (chuyên đầu tư bất động sản), Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương nhận định, Nghị quyết 68 là điểm tựa tinh thần lớn cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, vốn đang gặp nhiều khó khăn về chính sách, tín dụng và thị trường. “Chúng tôi đã chờ đợi điều này từ rất lâu. Kinh tế tư nhân từng bị xem là "nhỏ lẻ", "manh mún", nhưng thực tế cho thấy đây là khu vực năng động nhất, tạo ra phần lớn việc làm, đóng góp ngày càng lớn vào tổng ngân sách quốc nội (GDP) và là đầu tàu đổi mới sáng tạo.”

Theo ông Lê Như Thạch, điểm giá trị nhất của Nghị quyết 68 là cam kết mạnh mẽ trong việc khơi thông ba điểm nghẽn lớn: thể chế pháp lý, khả năng tiếp cận nguồn lực và tư duy quản lý. Khi Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển hàng triệu doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới, điều đó không chỉ là định hướng mà còn là lời bảo chứng cho việc xóa bỏ rào cản phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

“Chúng tôi không cần ưu đãi, chỉ cần được đối xử công bằng như doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Được cạnh tranh sòng phẳng, chúng tôi sẽ tự chứng minh năng lực. Với khí thế từ Nghị quyết 68, một làn sóng khởi nghiệp mới sẽ bùng lên – không chỉ ở thành thị mà còn ở nông thôn; không chỉ từ người trẻ mà cả những người từng vấp ngã, nay được tiếp thêm niềm tin để làm lại từ đầu”, ông Thạch chia sẻ.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá Nghị quyết 68 là bệ phóng mới cho kinh tế tư nhân, tiếp nối tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, nhưng lần này có tính thực thi cao hơn, tập trung xử lý các rào cản mang tính “xin - cho”, thúc đẩy minh bạch, cạnh tranh lành mạnh. Với tầm nhìn hướng đến hình thành hàng triệu doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu, Nghị quyết 68 chính thức đặt khu vực tư nhân vào vị trí "trụ cột quan trọng" của nền kinh tế, chứ không còn là "bổ sung" như trước.

Ghi nhận tại "thủ phủ công nghiệp", ngay trong quý I/2025, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 dự án của doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn đăng ký gần 42.000 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD); trong đó, 16 dự án thuộc lĩnh vực nhà ở thương mại, chiếm phần lớn tổng vốn đầu tư 38.453 tỷ đồng. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 73.600 doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn đăng ký đạt 807.000 tỷ đồng.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Bình Dương đặt mục tiêu có ít nhất 110.000 doanh nghiệp. Tỉnh định hướng hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân có năng lực điều hành, quản lý các tập đoàn kinh tế mạnh, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu dự kiến đạt khoảng 9,69%, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Đồng thời, 20 - 25% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và 30 - 35% có giám đốc hoặc người đứng đầu là nữ. Đến năm 2045, Bình Dương phấn đấu có một số doanh nhân đủ năng lực điều hành các tập đoàn dẫn dắt chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, từng bước hình thành chuỗi giá trị trong các ngành ưu tiên, thế mạnh của tỉnh. Qua đó, xây dựng đội ngũ doanh nhân Bình Dương có quy mô, trình độ, vị thế trong khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia về thu nhập cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục