Nông nghiệp Việt Nam giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế

16:20' - 24/12/2021
BNEWS Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021, song lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, giữ vững vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021, song lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Tính đến hết tháng 11/2021, sản lượng lúa vẫn đạt 41,2 triệu tấn và dự kiến hết năm nay sẽ đạt 43,3 triệu tấn, vượt chỉ tiêu đặt ra. Sản lượng rau dự kiến đạt 18,5 triệu tấn, hoa quả khoảng 8,5 triệu tấn, đạt mục tiêu đặt ra.

 

Lĩnh vực chăn nuôi cũng phấn đấu đạt 6,2 triệu tấn thịt, 16 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa (đến hết tháng 9 đã đạt 4,7 triệu tấn thịt, hơn 14 tỷ quả trứng và gần 900 nghìn tấn sữa).

Về thủy sản, cả năm phấn đấu đạt 8,6 triệu tấn (đến hết tháng 11/2021 đã đạt khoảng xấp xỉ 8 triệu tấn). Về lâm nghiệp, đến nay, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 236,8 nghìn ha, tăng 15,6% so cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 16,15 triệu m3, tăng 4,58%.

Đáng chú ý, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam liên tục ghi dấu ấn trên bản đồ xuất khẩu trong năm 2021.

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) hết tháng 11/2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt 43,48 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt trên 47 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao là 42 tỷ USD. Trong đó, riêng xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 8,6 tỷ USD, xuất khẩu gỗ vượt đích 14,5 tỷ USD.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam hiện là thị trường cung cấp hàng rau quả chế biến lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ, trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch đạt trên 171 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Nông sản Việt Nam cũng ngày càng được ưa chuộng tại châu Âu.

Tại Đức, Việt Nam hiện là nguồn cung hạt điều số 1 nhờ sản lượng ổn định và chất lượng đảm bảo. Việt Nam cũng là nguồn cung cà phê lớn nhất tại thị trường Nga (về lượng) và đứng thứ 2 ở thị trường này về kim ngạch sau Brazil.

Đối với mặt hàng gạo, thay vì chỉ chú ý đến lượng nay đã xuất khẩu nhiều gạo ngon, gạo thơm chất lượng cao. Kết quả là dù số lượng xuất khẩu gạo năm 2021 có thể không đạt 6,5 triệu tấn, nhưng giá bán cao sẽ đưa tổng kim ngạch đạt trên 3 tỷ USD. Ngoài gạo, doanh nghiệp Việt còn xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gạo, như bún, phở khô sang châu Âu.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, đây là những tín hiệu vui, chứng tỏ nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam ngày càng chinh phục được khách hàng các nước trên thế giới, nhất là các thị trường khó tính nhờ chiến lược mới, chú ý đến chất lượng và đi sâu vào chế biến.

Có thể thấy, không chỉ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra mà ngành nông nghiệp còn tiếp tục giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định xã hội trong lúc đất nước gặp khó khăn do dịch bệnh.

Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nông nghiệp Việt Nam còn ngày càng có có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

Quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành

Để có đạt được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực to lớn, bền bỉ của người dân, doanh nghiệp, phải kể đến vai trò quan trọng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong năm 2021, Bộ đã có những chỉ đạo hết sức linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong điều hành chuỗi sản xuất, chế biến và đặc biệt là trong tiêu thụ nông sản, giúp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bảo đảm thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ đã sớm thành lập hai tổ công tác đặc biệt (phía Bắc và phía Nam) để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, doanh nghiệp về xúc tiến đầu tư, kết nối sản xuất-tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh sản xuất, để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho cả nước.

Khi dịch bùng phát khiến hàng loạt địa phương phải thực hiện giãn cách, các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản bị đứt gãy (các loại nông sản như: tôm, cá, lợn, gà, rau, quả.. không thể tiêu thụ, trong khi nhà máy thì thiếu nguyên liệu, các đơn hàng xuất khẩu cũng không thể đáp ứng...), Bộ đã cùng các bộ, ngành chức năng kiến nghị Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Cụ thể, tạo "luồng xanh" cho nông sản; điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp với biến động thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng nội địa...

Bộ cũng phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phân phối hàng hóa nông sản trên nền các sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VnPost), Lazada, Alibaba.com, Amazon.com; các doanh nghiệp ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, Goviet…); hỗ trợ các địa phương tiếp cận kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế một cách hiệu quả.

Cùng với đó, tổ chức các Đoàn công tác làm việc với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu nông sản nhằm giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam.

Trong đó, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường, như: New-Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít); Trung Quốc (sầu riêng, thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa); Hoa Kỳ (bưởi); Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo); Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Australia (tôm tươi, nhãn, chanh leo)…

Năm 2022, ngành nông nghiệp đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu, như: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,8-3%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 45,5 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 73%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức 42%...

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương.

Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục