Nông nghiệp vượt khó, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

18:54' - 23/12/2019
BNEWS Năm 2019, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN 

Chiều 23/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo tại hội nghị. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn, đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh nông sản hàng hóa còn yếu, đặc biệt lại chịu tác động lớn bởi dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi.

Mặc dù vậy, toàn ngành đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu chuỗi giá trị, đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.

Nhờ vậy, năm 2019, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ước tính tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%; trong đó, thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng khá 3,98%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 54%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt kỷ lục mới với 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,85%.

Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo tổng kết công tác ngành năm 2019. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN 
Năm 2019, ngành tiếp tục chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, cơ cấu sản xuất phù hợp, dựa trên lợi thế, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi khoảng 100.000 ha lúa có khả năng bị hạn, thiếu nước tưới chuyển sang cây trồng khác, cùng với chuyển đổi diện tích lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng, nuôi trồng thủy sản có thu nhập cao hơn. Mở rộng thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, GlobalGAP...).

Ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo ba trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm địa phương (OCOP), tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Rất nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả; ở nhóm sản phẩm OCOP kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc.

Đến nay đã có 45 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 15.300 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có gần 73% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, năm 2019 thành lập mới 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,2%.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: TH, Vinamilk, Đồng Giao, Nafoods, Dabaco, Masan…

Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Một trong những nét mới trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương là việc xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị ngày càng phát triển.

Ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hiện đạt 70.000 ha; đồng thời đẩy mạnh thâm canh các loại cây công nghiệp như cà phê, chè, cao su... với tổng diện tích 70.000 ha. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng lòng hồ, hiện đã có 9.600 lồng cá với sản lượng 6.500 tấn.

Ông Dương Văn Thái – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị cũng là hướng đi của tỉnh Bắc Giang. Năm 2019, tuy sản lượng vải thiều giảm, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, tuy tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp có giảm nhưng giá trị tăng thêm của ngành lên tới 520 tỷ đồng. Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục phát huy các sản phẩm thế mạnh của địa phương như vải thiều, gà đồi...

Bên cạnh những nỗ lực vượt qua khó khăn trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Đó là cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế còn thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu của nhiều nông sản chủ lực giảm, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm. Tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản chậm. Sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra; trong khi nguồn lực còn rất hạn chế, giải ngân vốn đầu tư công chưa cao…

Ngoài ra, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp.

Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định toàn ngành “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra một số chỉ tiêu cơ bản năm 2020 của ngành là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt từ 2,8 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 - 3,05%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục