Nông nghiệp xanh: Hành trình giảm "dấu chân" carbon

07:43' - 17/08/2022
BNEWS Việt Nam có dấu chân carbon khá cao trong sản phẩm nông nghiệp và điều này gây ảnh hưởng đến thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong vòng 30 năm qua.

Nông nghiệp xanh đang trở thành xu hướng được doanh nghiệp; nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quan tâm,  tập trung đầu tư phát triển và thu được kết quả khả quan đồng thời đón nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ cộng đồng xã hội.

Đó là các dự án nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận tự nhiên; các mô hình ứng dụng công nghệ kỹ thuật để gia tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm phát thải, mang lại giá trị kinh tế nhiều hơn, tạo thêm sinh kế và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Carolyn Turk cho biết, Việt Nam có dấu chân carbon khá cao trong sản phẩm nông nghiệp và điều này gây ảnh hưởng đến thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong vòng 30 năm qua.

Một số vùng ở Việt Nam như Đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa bất thường, hạn hán… sẽ làm giảm năng suất lúa gạo trong vòng 30 năm tới.

Thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là đã thể hiện sự cam kết đáng kể trong việc thúc đẩy con đường tăng trưởng bền vững và nỗ lực hơn để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của WB, mọi việc đã làm chỉ mới dừng lại ở mức độ thử nghiệm, chưa có được sự lồng ghép đầy đủ ở tất cả các ngành. Việt Nam cần duy trì để trở thành một nước sản xuất nông nghiệp lớn mạnh trên thế giới, tìm ra nguồn tăng trưởng mới và hiệu quả hơn trong tương lai.

Ngành nông nghiệp cần dựa vào tri thức, tập trung hơn vào khai thác các giá trị thặng dư, giảm thâm dụng tài nguyên, giảm đáng kể dấu chân carbon và phải nhạy bén hơn trước nhu cầu của cư dân toàn cầu đối với các sản phẩm thân thiện môi trường.

Từ thực tiễn địa phương, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương cho hay, địa phương rất coi trọng các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu; đặc biệt trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hải Dương cũng đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hơn giá trị sản xuất hàng hóa nông nghiệp, theo hướng tổ chức một nền sản xuất đa tầng, đa gia trị.

Trên cơ sở, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương bao gồm cả nội dung quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, quy mô lớn để có thể ứng dụng các thành tựu công nghệ cao, có thể tổ chức sản xuất hữu cơ và có khả năng liên kết các hộ nông dân với nhau, tạo mối liên hệ giữa nông dân với nhà khoa học hoặc giữa nông dân - doanh nghiệp và nhà khoa học để gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp.

Lãnh đạo địa phương nhận thức rằng, chỉ khi nào tạo ra được các giá trị gia tăng lớn hơn cho các sản phẩm nông nghiệp thì lúc ấy mới giúp đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân, nâng cao được mức sống của người nông dân, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc và bền vững cho họ.

Hải Dương cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển của tỉnh tới năm 2050; theo đó hướng tới tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Vì vậy, quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong giai đoạn tới, cũng như quá trình phát triển của tỉnh Hải Dương cũng sẽ theo định hướng này.

Rõ nét nhất là mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của thị trường, của người tiêu dùng và của chính người nông dân nhằm nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chính họ.

Hải Dương cũng sẽ tập trung ứng dụng các thành tựu về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp để nhằm giảm bớt sức lao động, giúp người nông dân dễ dàng hơn trong tiêu thu hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, gia tăng kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng... qua đó, hỗ trợ địa phương vừa tăng sinh kế vừa giảm tỷ lệ hộ nghèo như mục tiêu đề ra.

Bên cạnh khá nhiều mô hình, dự án nông nghiệp xanh đã triển khai và thu về kết quả; cũng có không ít doanh nghiệp, nhà sản xuất làm “nông nghiệp xanh” chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và bất cập về cơ chế, chính sách hiện hành đối với ngành nông nghiệp.

Những rào cản thường xoay quanh câu chuyện thiếu vốn, thiếu kỹ thuật và kẹt đầu ra cho sản phẩm, dẫn tới nông sản xanh vẫn phải lặng lẽ bày bán ở những thị trường tự phát, bị đánh đồng và ép giá, thậm chí còn tiêu thụ chậm hơn những mặt hàng nông sản khác và phải chấp nhận việc cạnh tranh không bình đẳng.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, tỉnh Đồng Nai cho biết, Nhà nước đã ủng hộ và có nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vẫn có những chính sách còn mang tính hình thức và chưa mang lại giá trị thực tế trong việc hỗ trợ người sản xuất giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Do vậy, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, ông Luân đề nghị Chính phủ và các bộ ngành có nhiều giải pháp đồng bộ hơn, cụ thể hơn và phải xác định rõ hơn, nông nghiệp sinh thái phải được xem là một lựa chọn tiên quyết nhằm thay đổi nền nông nghiệp thâm canh hóa học hiện nay. Đồng thời, có giải pháp đầu ra cho nông sản hữu cơ, nông sản sạch qua đó thúc đẩy phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cụ thể như Nhà nước xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với nhu cầu thực tế.

"Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với ngành khoa học và công nghệ cũng có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giúp lành mạnh hóa thị trường, để nông dân yên tâm với việc sản xuất “nông nghiệp xanh”.

Cùng với đó người nông dân cần nâng cao trách nhiệm, khi đã đồng ý bước vào “cuộc chơi” phải chấp hành nghiêm các quy định, không vì lợi ích ngắn hạn hoặc những khó khăn trước mắt mà tùy tiện trong ứng xử làm ảnh hưởng đến lợi ích chung. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng tạo thêm những kênh dẫn vốn mới hỗ trợ nông dân có thêm điều kiện gắn bó lâu dài với “nông nghiệp xanh”, ông Luân nhấn mạnh./.

>>Dấu chân hợp tác xã trên hành trình xanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục