Nông nghiệp xanh: Hiệu ứng từ phân bón hữu cơ, thuốc sinh học

15:22' - 08/03/2024
BNEWS Chuyển đổi sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang có hiệu ứng mạnh mẽ ở nhiều địa phương khi nông dân thấy khỏe hơn, chi phí thấp hơn mà hiệu quả sản xuất vẫn đảm bảo.

Liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm hơn 10 năm đã giúp ông Trương Thanh Hà, xã Vĩnh Phú huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang nhàn hạ, yên tâm hơn rất nhiều. Nhưng hơn 3 năm gần đây, ông Hà cùng doanh nghiệp chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thì việc liên kết của ông còn an nhàn hơn nữa.

Ông Trương Thanh Hà nhận thấy, việc sử dụng các sản phẩm này rất tốt cho môi trường và cả sức khỏe của bản thân. Năng suất cây lúa qua các vụ rất ổn định, thậm chí đạt vượt trội.

Vụ Đông Xuân 2023-2024, dịch hại trên cây lúa khá cao, đặc biệt là bệnh rầy lưng trắng. Nhiều hộ dân xung quanh ông phải chạy đôn chạy đáo phun xịt các loại thuốc chống dịch bệnh, nhưng ông Hà vẫn “bình chân như vại”. Không phải ruộng của ông không có bệnh rầy lưng trắng mà là rất ít, các thiên địch có lợi trên ruộng lại phát triển tốt nên với ruộng lúa đã được hơn 80 ngày gieo cấy, ông tự nhận thấy không cần phải phun trừ dịch hại mà hiệu quả sản xuất vẫn sẽ đạt như mong muốn.

“Những nông dân bên cạnh sản xuất theo truyền thống với phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học thì chi phí đã lên khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/công. Nhưng đến nay, ruộng của tôi cộng sổ mới chỉ 1,8 triệu đồng/công (1.300 m2)”, ông Hà nói.

 
Theo ông Hà, sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cây lúa không được đẹp như sử dụng phân vô cơ, thuốc hóa học. Nhưng hiện nhiều cánh đồng sử dụng phân hữu cơ, thuốc hóa học lại đang bị dịch hại nặng, nông dân phải tích cực trị bệnh, khiến chi phí tăng lên, nhưng bệnh cũng không giảm.

Khi phun xịt càng nhiều, thiên địch có ích càng ít đi thì các loại dịch bệnh càng phát triển. Không như các cánh đồng sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, các loại thiên dịch có ích ngày càng nhiều lên, ông Hà chia sẻ.

Từ hiệu quả trông thấy sau nhiều năm sử dụng, ông Hà cũng hay vận động những nông dân chưa sử dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học cùng tham gia để bảo vệ sức khỏe mà năng suất vẫn vượt trội. Bên cạnh đó, ông còn tự cảm thấy sức khỏe tốt hơn nhiều.

Sau bao năm phát triển kinh tế cùng cây chè nhưng hiệu quả sản xuất lại không đổi. Trong khi, người dân vẫn cứ phải vật lộn với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Thu nhập không tăng thêm mà sức khỏe con người lại đối mặt với nhiều rủi ro. Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã đưa cây chè nơi đây sang một hướng đi mới.

Ban đầu ông Khiêm đi vận động bà con sản xuất chè VietGAP rồi tiến đến sản xuất hữu cơ. Để sang sản xuất hữu cơ, ông đã phải tự đi tìm kiếm các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho hợp với cây chè, với thổ nhưỡng đất.

“Đất trở nên tơi xốp hơn. Con giun, con dế… trở lại. Sức khỏe bà con khỏe hơn mà thu nhập lại cao nhờ giá bán tăng nên các hộ theo mình sản xuất ngày một tăng lên. Đến nay, hợp tác xã đã chuyển đổi được trên 30 ha đạt chuẩn hữu cơ Việt Nam”, ông Khiêm chia sẻ.


Tập hợp, liên kết, đến nay, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông, Thoại Sơn, An Giang đã có vùng nguyên liệu gần 770 ha lúa. Sau nhiều năm vận động, ông Lê Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Đông cho biết, hầu hết nông dân trong hợp tác xã đã sử dụng sản phẩm thuốc sinh học và một phần nông dân sử dụng phân bón hữu cơ.

Sau một thời gian dài sử dụng, bà con cũng nhận thấy ít ảnh hưởng môi trường; cải thiện độ phì nhiêu của đất, cây lúa vẫn phát triển tốt, dịch hại giảm khá nhiều.  Hiệu quả sản xuất của bà con không giảm mà còn tăng nhờ năng suất vẫn đảm bảo mà chi phí đầu tư giảm nhờ cây lúa phát triển từ từ, dịch hại phát sinh giảm.

“10 năm trước, nông dân sản xuất 2 vụ thì cây lúa vẫn phát triển bình thường. Nhưng khi chuyển sang sản xuất 3 vụ, đất thoái hóa, dịch bệnh tăng lên, nông dân bắt đầu thấy rõ tác hại của phân bón vô cơ, thuốc hóa học”, ông Chính cho biết.

Theo ông Chính, nông dân chưa chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học do tập quán sản xuất, thói quen canh tác. Hợp tác xã cũng làm các điểm trình diễn để nông dân thấy và học tập. Bà con cũng đang có những nhìn nhận thay đổi về phân bón hữu cơ, thuốc sinh học.

Để 100% hộ cùng sử dụng thì hợp tác xã sẽ tiếp tục vận động nông dân còn lại. Tập đoàn Lộc Trời cũng cam kết đồng hành cùng hợp tác xã làm các điểm trình diễn. Mục tiêu của hợp tác xã là liên kết nông dân sản xuất 1 giống, 1 tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm có thể đạt được các tiêu chuẩn quốc tế như EU, Mỹ…

Những nông dân như ông Hà cũng mong muốn có nhiều nông dân sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hơn. Bởi, trong quá trình áp dụng, khi có nhu cầu sản phẩm, những hộ điển hình còn nhỏ lẻ như ông đặt mua thuốc, phân bón, đơn vị bán hàng sẽ khó đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, ông thường phải kết hợp với các hộ có nhu cầu đặt mua luôn cho 2 vụ liền.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu đang đồng hành cùng người nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, với cam kết “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Lộc Trời liên kết với các hợp tác xã và hơn 300.000 nông hộ. Tập đoàn xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy trình canh tác nhằm tối ưu hoá, cơ giới hóa từ sản xuất, thu hoạch và vận chuyển… giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận ổn định cho nông dân.

Tập đoàn đã triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) đạt kết quả 100 điểm hoàn hảo trong 4 năm liên tục (2020 – 2023) cùng với hệ thống sản xuất lúa gạo đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới như: BRCGS, SMETA, HACCP, HALAL….

Để cùng nông dân ứng dụng các sản phẩm hữu cơ, sinh học, tập đoàn đã đâu tư viện nghiên cứu, trung tâm sản xuất, trung tâm ứng dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ. Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu thêm các bộ sản phẩm phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng cũng như cho các loại cây trồng.

Tập đoàn Lộc Trời có định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh, cân bằng giữa 3 yếu tố: hữu cơ - sinh học và hóa học. Cả 3 yếu tố đều là điều kiện cần và đủ để phát triển nông nghiệp bền vững, ông Huỳnh Văn Thòn cho hay.

Để tiến đến mục tiêu nâng tỉ lệ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 30%, phân bón hữu cơ lên 30% vào năm 2030, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ phải rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách, các hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ.

Cùng với đó, Cục cũng xây dựng quy trình phòng trừ thuốc sinh học, sử dụng phân hóa hữu cơ để nhân rộng ra nông dân. Nông dân được nâng cao nhận thức, áp dụng một cách đồng bộ và từng bước mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục