Sớm hoàn thiện pháp lý cho thị trường tín chỉ các-bon

15:28' - 12/02/2024
BNEWS Lâm nghiệp là lĩnh vực đang phát thải âm và được chuyên gia đánh giá là có nhiều tiềm năng để thực hiện trao đổi, chuyển nhượng hay thương mại hóa tín chỉ các-bon với các đối tác trong và ngoài nước.

Để sớm hình thành thị trường tín chỉ các-bon cũng như việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ các-bon của rừng, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đầu tiên là cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, vận hành trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ các-bon của rừng.

 

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, tham mưu nội dung về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng trong dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và đang trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Theo ông Trần Quang Bảo, lâm nghiệp là lĩnh vực đang phát thải âm và được các chuyên gia đánh giá là có nhiều tiềm năng để thực hiện trao đổi, chuyển nhượng hay thương mại hóa tín chỉ các-bon với các đối tác trong và ngoài nước. Do đó, việc hình thành thị trường tín chỉ các-bon có nhiều tác động tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng.

Theo Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã ký giữa Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Ngân hàng Thế giới đối với 6 tỉnh Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỷ đồng.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền từ WB và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ là Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

Từ thành công đầu tiên trong chuyển nhượng tín chỉ các-bon của rừng, theo ông Trần Quang Bảo, với tiềm năng thương mại tín chỉ các-bon của rừng lớn, thị trường tín chỉ các-bon được hình thành sẽ giúp bổ sung thêm nguồn tài chính phục vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng. Qua đó cũng giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp.

Khi có cơ hội tham gia thị trường tín chỉ các-bon, các cơ quan, đơn vị, cá nhân từ Trung ương đến địa phương liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp sẽ được tăng cường năng lực về quản trị rừng bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp Việt Nam bền vững.

Đặc biệt là các chủ rừng, những người đang trực tiếp giữ rừng sẽ có thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, tạo thêm động lực để tiếp tục giữ rừng, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn, tích cực hơn. Bên cạnh đó, họ còn được nâng cao nhận thức về giá trị của rừng và ngày càng có trách nhiệm hơn trong bảo vệ rừng, dần dần hình thành tư duy sản xuất, quản trị rừng chuyên nghiệp, từ bỏ dần thói quen xâm hại rừng.

Bên cạnh đó, thương mại tín chỉ các-bon của rừng trên thị trường các-bon còn là cơ hội tốt để có thêm nguồn lực góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết “đưa mức phải thải ròng về 0 vào năm 2050’’ của Việt Nam tại COP26.

Ông Trần Quang Bảo hy vọng, sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP được ban hành, cùng với kết quả thí điểm ban đầu về thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ sẽ tạo ra hành lang pháp lý, cơ sở quan trọng để triển khai thành công dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng trên cả nước.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới. Theo thống kê của ngành lâm nghiệp, diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 42,02%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục