BNEWS
Theo ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, đến nay hầu hết các nông sản chủ lực của Hậu Giang đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.
Đó là các nông sản như bưởi năm roi Phú Thành Hậu Giang, cam sành Ngã Bảy, chanh không hạt Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, cá rô Hậu Giang, quýt đường Long Trị, cá thát lát Hậu Giang, dứa Cầu Đúc Hậu Giang, xoài cát Hậu Giang, cam xoàn Phụng Hiệp. Trong đó, 3 nông sản là cam sành, dứa và cá thát lát đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng và 5 loại nông sản là bưởi, cam sành, dứa, cá thát lát, cá rô thực hiện đạt chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ nay đến 2020, tỉnh Hậu Giang xác định 10 nông sản chủ lực gắn với xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh như: 32.000 ha cây lúa canh tác chất lượng cao, 12.000ha cây mía, từ 2.000 ha – 2.500ha cây bưởi, 6.000ha cây cam sành, 2.000ha cây dứa, 600ha cây chanh không hạt, 100ha nuôi cá thát lát,…
Thực hiện chương trình phát triển nông sản chủ lực tỉnh Hậu Giang, đến nay địa phương đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng thực hiện công tác thủy lợi nội đồng phục vụ nuôi trồng thủy sản và cây lúa, cây ăn trái; cũng như thực hiện công tác khuyến nông, khuyến ngư đạt hiệu quả cao.
Toàn tỉnh có 80% nông dân được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp. Cũng như đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP, sản xuất nông sản theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại Hậu Giang đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng lớn, ổn định; bước đầu gắn kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi và quy trình sản xuất tiên tiến giữa doanh nghiệp và nông dân. Cùng với đó là các quy trình sản xuất từng loại nông sản chủ lực của tỉnh từng bước ngày càng hoàn thiện.
Bước đầu các nông sản chủ lực của tỉnh phát triển vượt mục tiêu đề ra; sản xuất hàng hóa có năng suất cao, chất lượng tốt, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi. Từ đó đã tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao đời sống nông dân, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn đáng kể. Trong phát triển nông nghiệp của tỉnh ngày càng nhiều nông hộ có doanh thu hàng năm từ 80 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có một số hộ đạt doanh thu từ 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt từ 30% đến 40% trở lên./.