Nông sản Việt: Bài 4: Tôn vinh những doanh nghiệp vừa và nhỏ

09:05' - 21/04/2021
BNEWS Những doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhân tố bền bỉ, vững vàng, có sức đề kháng mạnh mẽ trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, góp phần giúp nền kinh tế đứng vững và có bước tăng trưởng.

Vì vậy, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2021, cùng nhau tôn vinh những đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như một nhân tố quan trọng, linh hoạt và năng động, góp phần tạo ra những đổi mới đột phá và sáng tạo, mang nhiều ý tưởng đầy cảm hứng đến với thị trường.

Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phỏng vấn Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí về những nội dung liên quan.

*Phóng viên: Năm 2021, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới chọn thông điệp "Doanh nghiệp nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường" cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, ông có bình luận gì về chủ đề này?

*Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2021 “Sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa - mang ý tưởng đến với thị trường” là thông điệp được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới lựa chọn, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp và phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch này.

Năm 2020, những doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhân tố bền bỉ, vững vàng, có sức đề kháng mạnh mẽ trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, góp phần giúp nền kinh tế đứng vững và có bước tăng trưởng.

Vì vậy, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2021 cùng nhau tôn vinh những đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như một nhân tố quan trọng, linh hoạt và năng động, góp phần tạo ra những đổi mới đột phá và sáng tạo, mang nhiều ý tưởng đầy cảm hứng đến với thị trường.

Ở thời điểm khi nhu cầu phục hồi nền kinh tế đang ở mức cao, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2021 thắp sáng vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế và cách mà các doanh nghiệp này có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để xây dựng doanh nghiệp mạnh hơn, cạnh tranh hơn và có sức bền hơn.

Có thể nói, doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm một cấu phần lớn trong nền kinh tế với khoảng hơn 90% tổng số doanh nghiệp trên toàn thế giới, sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động toàn cầu và tạo ra tới 40% thu nhập quốc dân ở nhiều nền kinh tế mới nổi.

Tại Việt Nam, con số này lần lượt là 97% và 47%. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế mỗi quốc gia, giúp các nền kinh tế phục hồi và trụ vững.

Mỗi doanh nghiệp đều đã lên một ý tưởng và kết hợp nó với sự khéo léo để sáng tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng mong muốn, có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ và tạo ra giá trị từ các tài sản của mình. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang bỏ lỡ cơ hội cải thiện vị thế và tăng trưởng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi các doanh nghiệp hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ, khi có được và quản lý quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm tốt hơn.

Nếu là người mới bước vào thế giới sở hữu trí tuệ, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2021 là cơ hội để tìm hiểu cách mà các công cụ của hệ thống sở hữu trí tuệ - nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, bí mật thương mại, chỉ dẫn địa lý, tác phẩm (chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu...) và nhiều hơn nữa - có thể hỗ trợ bạn khi đưa các ý tưởng của bạn ra thị trường.

Bên cạnh đó, cũng chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp có tiềm năng nắm bắt cơ hội mà sở hữu trí tuệ có thể đem lại tốt nhất trong bối cảnh dịch COVID-19.

Với sự khéo léo, sáng tạo và dũng cảm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể biến các ý tưởng thành các tài sản trí tuệ và đưa ra thị trường, tạo ra lợi nhuận và những giá trị kinh tế và xã hội.

*Phóng viên: Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam có những kế hoạch, hành động gì để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động sở hữu trí tuệ?

*Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Hệ thống sở hữu trí tuệ về bản chất là để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu cho hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Chính vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang có những nỗ lực trong công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Các quy trình, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ được xây dựng theo hướng ngày một đơn giản hóa, thân thiện với người sử dụng và doanh nghiệp.

Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, nâng cao chất lượng xác lập quyền, tăng cường năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung, nhằm xử lý một cách nhanh nhất và chính xác nhất yêu cầu của người nộp đơn.

Hệ thống tự động hóa công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, nộp đơn trực tuyến đang được áp dụng tại Cục  Sở hữu trí tuệ, giúp người nộp đơn được tiếp cận thông tin minh bạch, chính xác và thuận tiện.

Việc gia nhập các hệ thống đăng ký đơn sở hữu công nghiệp quốc tế (Hiệp ước sáng chế đối với sáng chế, Hệ thống đăng ký nhãn hiệu Madrid với nhãn hiệu và Thỏa ước La Hay với kiểu dáng công nghiệp), ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác kinh tế, với cấu phần sở hữu trí tuệ chiếm tỉ trọng lớn, đã và đang tạo ra các thuận lợi pháp lý tốt nhất về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

Hai văn bản quan trọng mới được ban hành, Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030, cũng đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong định hướng hoạt động của toàn hệ thống sở hữu trí tuệ.

Một trong những giải pháp quan trọng được nêu trong Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 là triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển tài sản trí tuệ, đưa doanh nghiệp nhỏ và vừa thành một nhóm đối tượng cụ thể và quan trọng trong chiến lược.

Trong khi đó, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2021-2030, được xây dựng với mục tiêu, quy mô lớn hơn, nhiều nội dung mới hơn, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, cho đến các nhiệm vụ bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là đối tượng được phục vụ trọng tâm của Cục Sở hữu trí tuệ. 

*Phóng viên: Các địa phương rất quan tâm và có nhu cầu rất lớn về hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản cho các sản phẩm chủ lực, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xin ông cho biết kết quả hỗ trợ của Cục sở hữu trí tuệ trong thời gian qua và những định hướng trong giai đoạn tới?

*Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Hỗ trợ các địa phương, nhà sản xuất bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), là một trong những hoạt động luôn được Cục Sở hữu trí tuệ chú trọng, thúc đẩy.

Cục chú trọng đến công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về vấn đề sở hữu trí tuệ bằng việc phối hợp với các đài truyền hình địa phương xây dựng và phát sóng Chương trình “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống”.

Từ năm 2010 đến nay, có khoảng 3.500 số phát sóng, căn cứ vào các đặc thù văn hóa, nhận thức của từng vùng, miền khác nhau sẽ xây dựng nội dung phát sóng phù hợp.

Ví dụ khu vực nông thôn, miền núi sẽ tuyên truyền thông qua các hình ảnh, phóng sự trực quan liên quan trực tiếp đến các sản phẩm mà cộng đồng đang sản xuất kinh doanh.

Cục cũng phối hợp với các cơ quan có liên quan của địa phương tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho các tổ chức, cá nhân cấp huyện, xã, thôn, bản.

Riêng đối với các đối tượng là đồng bào nông thôn, miền núi, các lớp tập huấn sẽ tập trung vào việc hướng dẫn người dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm có tem nhãn, bao bì, thành lập các tổ chức tập thể để thay mặt cộng đồng tiến hành các thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đặc sản, hướng dẫn kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Về kết quả bảo hộ cho các sản phẩm, trong 5 năm (2016-2020), thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, có hơn 500 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ.

Trong đó 21 sản phẩm được hỗ trợ từ Chương trình của Trung ương do Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì, 271 sản phẩm được hỗ trợ từ Chương trình của các địa phương và có hơn 200 sản phẩm được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác và xã hội hóa.

Cục Sở hữu trí tuệ tập trung hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm chủ lực, hỗ trợ quản lý chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ, kết nối thương mại sản phẩm.

Các địa phương chủ yếu hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù, truyền thống dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi, mở đường cho việc tiếp cận các thị trường nước ngoài, góp phần khẳng định uy tín, giá trị thương hiệu của các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam trên bình diện quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ cũng hỗ trợ về chuyên môn, các địa phương chủ trì triển khai công tác hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, tiêu biểu như: Chè Thái Nguyên bảo hộ tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), Mỳ Chũ-Bắc Giang bảo hộ tại Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể như cam Cao Phong-Hòa Bình, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn-Bắc Giang, cam Hà Giang, bưởi da xanh Bến Tre.

Thông qua hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đã kết nối được các hộ nông dân từ hoạt động sản xuất đơn lẻ thành mô hình sản xuất tập trung, chặt chẽ và chuyên canh sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo dựng được công cụ quản lý và các căn cứ khoa học để định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, chất lượng.

Thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương, trong đó sẽ chú trọng tới việc xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ.

Cục Sở hữu trí tuệ khai thác, phát triển các sản phẩm theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị; giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.

*Phóng viên:Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục