Nước G7 đầu tiên tuyên bố không phát thải khí nhà kính vào năm 2050

21:15' - 12/06/2019
BNEWS Nước Anh vừa tuyên bố sẽ thực hiện cam kết mới với mục tiêu đưa lượng khí thải nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050 thông qua luật hóa các quy định.

Như vậy, Anh là quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra mục tiêu đầy tham vọng này, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh lượng khí thải carbon (các-bon) toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục bất chấp các cuộc đàm phán nhằm đưa mức khí thải về ngưỡng an toàn trong nhiều thập kỷ qua, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng mục tiêu đưa lượng phát thải khí nhà kính xuống bằng 0 dù là rất tham vọng, nhưng "đã đến lúc phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai".

Mục tiêu hiện nay của nước Anh là đến năm 2050 sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 1990. Tuy nhiên, các nhà vận động cho rằng mức độ cắt giảm này chưa đủ để đạt được những cam kết đưa ra trong thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, nhằm kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất ở mức 1,5 độ C. Trên thực tế, nhiệt độ Trái Đất hiện đã tăng thêm khoảng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Giáo sư David Reay ở trường Đại học Edinburgh cho hay: "Đạt được ngưỡng phát thải khí nhà kính bằng 0 sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta. Điều này sẽ biến đổi cách thức chúng ta đi lại, ngôi nhà chúng ta sống và thực phẩm chúng ta ăn."

Uỷ ban về Biến đổi Khí hậu hồi tháng trước đã đề xuất nước Anh nên theo đuổi mục tiêu mới này, tức là sẽ phải tiến hành những thay đổi lớn trong lĩnh vực năng lượng, vận tải và nông nghiệp. Ví dụ, sẽ ngừng sản xuất xe chạy xăng và dầu diesel ít nhất là từ năm 2035. Các hộ gia đình cũng phải chấm dứt sưởi bằng khí gas tự nhiên và đổi qua các hình thức thay thế phát thải khí các-bon ít hơn.

Mặc dù mục tiêu mới này sẽ biến nước Anh trở thành nước đi đầu về chống biến đổi khí hậu, nhưng quyết định của Chính phủ Anh bật đèn xanh cho một số dự án, như mở đường băng thứ ba ở sân bay Heathrow của London, đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về chiều sâu của cam kết này.

Trong một động thái tương tự, Nội các Nhật Bản ngày 11/6 cũng thông qua một chiến lược cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống bằng 0 trong nửa cuối của thế kỷ 21. Đây là một phần trong chiến lược của Nhật Bản chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.

Dự kiến, Nhật Bản sẽ trình bày chiến lược này với Liên hợp quốc vào cuối tháng Sáu, thời điểm Nhật Bản đăng cải tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Để đạt được mục tiêu trên, Nhật Bản sẽ tập trung sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh như năng lượng mặt trời và gió, trong khi vẫn duy trì vận hành các nhà máy điện than. Chính sách này cũng được một số chuyên gia năng lượng cho là chưa đủ để cắt giảm triệt để khí thải nhà kính.

Với chiến lược này, Nhật Bản cũng sẽ phụ thuộc vào các nhà máy điện hạt nhân, ngay cả khi mối quan ngại về vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân vẫn còn đó sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Chiến lược cũng kêu gọi tăng cường sử dụng năng lượng sạch như khí hydro nhằm giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân và phát triển các công nghệ tiến bộ để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng điện.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được gần 200 quốc gia trên thế giới thông qua vào năm 2015, đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu từ 1,5 - 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chỉ có Nhật Bản và Italy là hai nước còn lại duy nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) chưa công bố chiến lược chống biến đổi khí hậu.

>>> Quy định mới về cách tính lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục