Nước Mỹ đau đầu trước làn sóng di cư từ Mỹ Latinh

05:30' - 17/01/2019
BNEWS Hiện tượng di cư ồ ạt từ Mỹ Latinh diễn ra trùng hợp với thời điểm bầu cử Quốc hội giữa kỳ của Mỹ và được sử dụng làm chủ đề của chiến dịch của Tổng thống Donald Trump.
Người di cư Trung Mỹ tại khu vực ngoại ô Mexico City, Mexico trong hành trình tới Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Làn sóng di cư Trung Mỹ tăng mạnh kể từ tháng 10/2018, với 160 người tiên phong xuất phát từ thành phố San Pedro Sula của Honduras và đến nay đã lên tới gần 10.000 người chủ yếu là người Honduras và Guatemala. 

Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu chiến lược địa chính trị Mỹ Latinh (CELAG), dù có hay không bức tường biên giới với Mexico, một xu hướng có thể xảy ra đó là chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tìm kiếm các biện pháp mới để hình sự hóa người di cư, chia tách gia đình, hạn chế đơn xin tị nạn và quân sự hóa biên giới.

Mặc dù việc vượt biên bất hợp pháp đã giảm đáng kể kể từ mức cao lịch sử trong những năm đầu của thế kỷ 21 (năm 2000, hơn 1,6 triệu lần người vượt biên bất hợp pháp đã bị bắt giữ, năm 2001 con số này là 1,3 triệu). 

Theo thống kê của Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, 396.579 người không có giấy tờ đã bị giam giữ sau khi nhập cảnh bất hợp pháp trong năm 2018. Tổng thống Trump đã giới hạn số lượng đơn xin tị nạn hàng ngày tại biên giới (hệ thống này được chính quyền Tổng thống Barack Obama lập ra vào năm 2016 để đáp ứng với hàng ngàn người nhập cư Haiti). 

Số người di cư xin tị nạn ở biên giới Tây Nam nước Mỹ đã tăng gần 70% từ năm 2017 đến 2018. Hiện tại, hơn 5.000 người di cư có tên trong danh sách xem xét xin tị nạn và quá trình để xử lý sẽ phải kéo dài hơn 2 tháng.

Ngăn chặn các đoàn người di cư đã được ông Trump coi như một cái cớ để tăng cường quân sự hóa ở biên giới và xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn. Kể từ ngày 25/10/2018, gần 6.000 binh sĩ đã được triển khai để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng tuần tra biên giới. Số binh sỹ này, theo kế hoạch ban đầu, sẽ kết thúc nhiệm vụ vào ngày 25/12/2018, nhưng sau đó đã được gia hạn cho đến ngày 31/1/2019.

Bất chấp các mối đe dọa của Tổng thống Trump, sự trợ giúp tài chính cho các quốc gia ở Tam giác Bắc Trung Mỹ (Honduras, Guatemala và El Salvador), chiếm đa số trong dòng người di cư, không có khả năng bị gián đoạn. 

Đề xuất cắt giảm viện trợ kinh tế hàng năm cho Honduras, Guatemala và El Salvador của Tổng thống Trump đã không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, trong đó có sự đồng thuận lưỡng viện về sự cần thiết (và chức năng) của viện trợ, bao gồm hỗ trợ cho cảnh sát và lực lượng quân sự, an ninh biên giới, cải cách cảnh sát và các hệ thống tư pháp. 

Tương tự như vậy, đa số nghị sỹ đảng Dân chủ tại Hạ viện sẽ gây áp lực để duy trì hỗ trợ về các vấn đề như an ninh lương thực, phát triển nông thôn, các nỗ lực chống tham nhũng và các sáng kiến của xã hội dân sự để ngăn chặn bạo lực.

Trong trường hợp hỗ trợ kinh tế và quân sự của Mỹ đối với các nước tiếp tục chảy qua các kênh và chương trình tương tự như đã hoạt động trong những thập kỷ gần đây, việc giảm di cư sẽ không được đảm bảo cũng như việc tạo ra những thay đổi cấu trúc cần thiết để giảm hiện tượng này. 

Trong nội bộ, sự kiên trì của một chính sách mạnh tay chống di cư sẽ tạo ra sự phân cực lớn hơn trong xã hội Mỹ và ông Trump sẽ tiếp tục sử dụng "vấn đề" di cư như một vũ khí chính trị để biện minh cho lập trường dân tộc bảo thủ của mình.

Ở cấp độ khu vực, chính sách cứng rắn này gây áp lực buộc chính phủ của tân Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador, phải tự đặt mình là một nhà lãnh đạo để thoát khỏi cuộc khủng hoảng di cư nhằm giải quyết các vấn đề cơ cấu. 

Khả năng này được củng cố khi chính quyền của Tổng thống Trump đã bày tỏ sự đồng ý và hỗ trợ cho đề xuất của ông Lopez Obrador về việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại khu vực miền Nam Mexico và các quốc gia Trung Mỹ nêu trên nhằm tạo một “bức tường thịnh vượng” ngăn chặn dòng người di cư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục