Nước Mỹ khép lại cuộc bầu cử bất thường

18:21' - 07/01/2021
BNEWS Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào chiều 7/1 xác nhận toàn bộ số phiếu đại cử tri của các bang, với kết quả cho thấy ông Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào chiều 7/1 (theo giờ Việt Nam, sáng cùng ngày giờ Mỹ) xác nhận toàn bộ số phiếu đại cử tri của các bang, với kết quả cho thấy ông Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, đã chính thức khép lại cuộc chiến pháp lý và những tranh cãi dai dẳng liên quan, đồng thời mở ra một chương mới trong lịch sử Mỹ. Cả nước Mỹ sẽ hướng tới ngày 20/1, thời điểm Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức nhậm chức.

Có thể nói rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có quá nhiều điểm bất thường, ngay cả trong ngày lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhóm họp để xác nhận kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, vốn đã được công bố từ ngày 14/12 năm ngoái.

Phiên họp thông thường mang tính thủ tục này của Quốc hội Mỹ năm nay diễn ra chiều 6/1 (giờ Mỹ, rạng sáng 7/1 giờ Việt Nam) được xem là đầy kịch tích bởi có sự phản đối ở cả bên trong và bên ngoài phòng họp.

Hàng chục nghìn người ủng hộ Tổng thống Donald Trump từ khắp nơi trên nước Mỹ đã đổ về khu vực trung tâm thủ đô Washington D.C cũng như Đồi Capitol nhằm cản trở việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

Các cuộc biểu tình biến thành bạo động khi nhóm người biểu tình quá khích đụng độ với cảnh sát và tràn vào tòa nhà Quốc hội, khiến cảnh sát Mỹ đã phải phong tỏa các tòa nhà, sơ tán các nghị sĩ và nhân viên làm việc trong các trụ sở Quốc hôi, đồng thời phải sử dụng hơi cay và đạn không sát thương để giải tán đám đông người biểu tình.

Cuộc bạo loạn là nguyên nhân dẫn đến việc Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Matt Pottinger cùng một số quan chức khác đã từ chức và Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien cũng đang cân nhắc từ chức. Mức độ nghiêm trọng của sự việc càng bộc lộ khi có ít nhất 4 người thiệt mạng.

Ngoài ra, bên trong phòng họp, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã phản đối việc Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trước đương kim Tổng thống Donald Trump tại các bang Arizona và Pennsylvania.

Mặc dù tình trạng rối ren này đã làm chậm lại tiến trình xác nhận kết quả bầu cử do các nghị sĩ phải tạm dừng tranh luận để sơ tán đến nơi an toàn, song không làm thay đổi được kết quả chung cuộc.

Những diễn biến sau khi Quốc hội nhóm họp trở lại ngày càng thu hẹp con đường tái đắc cử của Tổng thống Trump.

Trước hết là việc với 303 phiếu thuận và 121 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã phủ quyết nỗ lực đảo ngược chiến thắng của ông Biden tại bang Arizona và Thượng viện Mỹ cũng ra quyết định tương tự với 93 phiếu thuận và 6 phiếu chống.

Tình hình cũng không khả quan hơn đối với khiếu nại tại bang Pennsylvania, Thượng viện Mỹ đã bác đơn phản đối kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020 tại bang này với tỷ lệ phiếu áp đảo 92/7, còn tỷ lệ phiếu của Hạ viện là 282/138.

Với việc Quốc hội kiểm xong phiếu tại bang Vermont, ông Biden giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri và đây là số phiếu tối thiểu để trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C., ngày 6/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố của Phó Tổng thống Mike Pence rằng Quốc hội Mỹ xác nhận kết quả bầu cử với chiến thắng của ông Joe Biden đã chính thức đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump.

Nỗ lực này vốn dĩ ngay từ đầu đã gặp nhiều khó khăn do chính quyền của ông Trump thiếu những bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho cáo buộc về gian lận bầu cử.

Từ việc tòa án các cấp tại Mỹ liên tục bác đơn khiếu nại của ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump, đến khi thống đốc các bang xác định kết quả bỏ phiếu toàn quốc ngày 3/11/2020 và sau đó là việc đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống, những động thái này đã làm hẹp đi cánh cửa tái cử vốn đã rất khó bước qua của Tổng thống Trump.

Trước đó, kết quả bỏ phiếu toàn quốc ngày 3/11 được các hãng truyền thông Mỹ công bố và được sự thừa nhận rộng rãi của quốc tế, bao gồm cả các đồng minh thân cận của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội được xem là “chốt chặn” cuối cùng đối với hy vọng tái đắc cử của ông Trump, khi có hơn 10 thượng nghị sĩ và khoảng 140 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa từng tuyên bố sẽ phản đối việc chứng nhận kết quả của đại cử tri tại một số bang dao động.

Mặc dù vậy, ngay trước thềm sự kiện Quốc hội nhóm họp để xác nhận kết quả bầu cử, Phó Tổng thống Mike Pence đã “dội một gáo nước lạnh” vào nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Trump khi tuyên bố ông, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, không có quyền ngăn chặn việc chứng nhận của Quốc hội đối với kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn. Tuyên bố này nhằm đáp lại việc Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng “ông Pence có quyền từ chối các đại cử tri được lựa chọn một cách gian lận”.

Phát biểu trong một sự kiện tối 4/1, ông Trump còn nhấn mạnh: “Tôi hy vọng ông Mike Pence sẽ trao chiến thắng cho chúng tôi”.

Theo luật bầu cử Mỹ, nhiệm vụ của Phó Tổng thống Mỹ Pence trong quá trình tố tụng hoàn toàn là động tác hành chính, yêu cầu của Tổng thống Trump do đó sẽ là bất khả thi và thực tế cho thấy ông Pence đã không thể “vượt rào” để làm trái với quy định Hiến pháp về quyền hạn của Phó Tổng thống.

Diễn biến các cuộc họp xuyên đêm của hai viện Quốc hội Mỹ cũng cho thấy ông Trump hoàn toàn không có cơ hội "đảo ngược" kết quả bầu cử.

Với việc Quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Biden, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, mặc dù tuyên bố không hoàn toàn đồng ý với kết quả của cuộc bầu cử, song cam kết sẽ có "một sự chuyển giao trật tự và hòa bình vào ngày 20/1 tới".

Cam kết này có thể được coi là sự thay thế cho việc ông Trump thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 trước ông Biden.

Con đường tái đắc cử của ông Trump chính thức khép lại, song có một điều chắc chắn rằng, trong tâm khảm của những người dân Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung, giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Trump đã để lại nhiều dấu ấn khó phai.

Vị tỷ phú Donald Trump đã buộc mọi người phải nhớ đến mình với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” và lập trường “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cũng như những phát ngôn thể hiện cá tính rất riêng của ông.

Chính những điều này đã giúp ông gây dựng được một khối cử tri trung thành, làm nền tảng chính trị cho ông trong suốt thời gian qua.

Tương lai của Mỹ dưới thời Tổng thống thứ 46 Biden đến nay vẫn là ẩn số ngay cả khi đã có nhiều phân tích liên quan đến những ưu tiên chính sách cả về đối nội và đối ngoại của ông.Trong thời gian tới, chính quyền Tổng thống Biden sẽ còn nhiều việc phải làm để xây dựng nước Mỹ “trở lại tốt đẹp hơn” như ông cam kết và với kinh nghiệm dày dặn trên chính trường, ông sẽ triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách, nhất là đối nội trong 100 ngày đầu tiên để giải quyết các vấn đề trong nước, trong đó việc gắn kết nước Mỹ, ngăn chặn xu hướng chia rẽ ngày càng sâu sắc hiện nay, cũng như nhanh chóng đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế mang tên COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục