Nước Nga và Duma quốc gia mới trước bài toán khó về kinh tế

15:32' - 24/09/2016
BNEWS Nước Nga và Duma quốc gia mới sẽ đối mặt nhiều khó khăn khi kinh tế nước này đang “chìm đắm” trong một cuộc khủng hoảng kinh tế với nguồn tiền mặt cạn kiệt.
Tổng thống Vladimir Putin và các thành viên trong Duma quốc gia mới sẽ còn phải gặp rất nhiều thách thức để vực dậy kinh tế nước này. Ảnh: THX/TTXVN

Chiến thắng của đảng cầm quyền "Nước Nga Thống nhất” trong cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VII hôm 18/9 vừa qua được đánh giá là một thắng lợi ngọt ngào dành cho Tổng thống Vladimir Putin, nhưng chặng đường phía trước đối với Moskva và các thành viên trong Duma quốc gia mới còn nhiều chông gai.

Kinh tế Nga đang “chìm đắm” trong một cuộc khủng hoảng kinh tế với nguồn tiền mặt cạn kiệt, đẩy giới chức trách nước này vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi phải cân bằng giữa việc cắt giảm chi tiêu và giữ sự tín nhiệm trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào năm 2018.

Hiện thời, các chuyên gia phân tích đều cho rằng nước Nga cần thực hiện những biện pháp cải cách mạnh tay như tăng tuổi nghỉ hưu, cắt giảm các khoản tiền chi cho việc bảo đảm công ăn việc làm và tăng thuế.

Chuyên gia kinh tế Chris Weafer, thuộc hãng tư vấn Macro Advisory, nhận định sự thay đổi cho dù có thể gây tranh cãi và không phù hợp đối với một số người, song là không thể tránh khỏi; nền kinh tế “xứ sở Bạch dương” sẽ không thể cải thiện nếu không có những thay đổi này.

Tuy nhiên, trong một bài viết được đăng trên tờ nhật báo kinh doanh Vedomosti, chuyên gia phân tích Alexei Makarkin lại cho rằng các biện pháp cải cách sẽ không được thảo luận công khai cho đến khi Tổng thống Putin tái đắc cử vào tháng 3/2018.

Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng Chính phủ Nga vẫn sẽ tiếp tục các biện pháp cắt giảm chi tiêu trong thời gian tới.

Những chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ Nga những năm qua, trong đó có cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công, đã khiến sức mua của người lao động và người nghỉ hưu ở Nga giảm đáng kể.

Mặc dù điều này có vẻ không gây quá nhiều ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống Putin nhưng đã dẫn đến một số cuộc biểu tình và đình công trên quy mô nhỏ.

Kinh tế Nga suy giảm 3,7% trong năm 2015, chủ yếu do giá dầu lao dốc, và dự kiến sẽ tiếp tục thu hẹp thêm ít nhất là 0,5% trong năm nay trước khi hồi phục nhẹ vào năm 2017.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục