Nuôi ếch xen cá cho hiệu quả cao

10:41' - 06/09/2020
BNEWS Mô hình nuôi ếch xen cá các loại của nông dân trẻ Nguyễn Minh Nhựt, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè là một trong những mô hình tiêu biểu được Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh biểu dương.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm tăng thu nhập trên cùng một đơn vị sản xuất, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả, được ngành nông nghiệp đánh giá cao và nhân rộng trên địa bàn.
Mô hình nuôi ếch xen cá các loại của nông dân trẻ Nguyễn Minh Nhựt, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè là một trong những mô hình tiêu biểu được Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh biểu dương mới đây tại Hội nghị nông dân điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020.

Nông dân trẻ Nguyễn Minh Nhựt cũng được UBND tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Chỉ mới 27 tuổi, nhưng anh Nguyễn Minh Nhựt đã có 7 năm với nghề nuôi ếch. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ở vùng quê nghèo ấp Ô Chích. Tuổi thơ của anh gắn liền với ruộng lúa, bờ ao, nên bản thân luôn nung nấu ý định lập nghiệp trên chính mảnh ruộng nhỏ của gia đình.

Anh Nhựt xác định, ngoài tiêu chí chính là thị trường tiêu thụ, thì trồng cây gì hay nuôi con gì đều cần ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành, hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Với suy nghĩ ấy, anh Nguyễn Minh Nhựt quyết định học Đại học chuyên ngành chăn nuôi thủy sản, để có thể vận dụng những kiến thức đã học trong quá trình sản xuất.
Năm 2013, để việc học đi đôi với hành, nông dân trẻ Nguyễn Minh Nhựt đào ao thả nuôi thử nghiệm 2.000 con ếch giống trên diện tích 500 m2 mặt nước. Tuy được học chuyên ngành bài bản, nhưng bắt tay vào sản xuất, vì thiếu kinh nghiệm nên mô hình không hiệu quả, tỷ lệ hao hụt khá cao.

Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, cùng với sự tìm tòi, học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, khoảng một năm sau, mô hình đã thành công như mong đợi, và chứng minh được tính hiệu quả cho đến thời điểm này.
Hiện, gia đình anh thường xuyên duy trì tổng đàn ếch khoảng 400.000 con trên diện tích 6.000 m2 mặt nước.

Bên cạnh đó, anh Nhựt còn tận dụng nguồn chất thải của ếch làm thức ăn cho cá, bằng cách thả các loại cá như cá trê, cá tra, cá lò tho nuôi xen trong ao nuôi ếch.

Mỗi năm, cá cho thu hoạch hai lần, ếch cho thu hoạch từ 4-5 lần. Lợi nhuận hàng năm luôn ổn định khoảng 500 triệu đồng, tăng rất nhiều lần so với trồng lúa trên cùng một diện tích trước đó.
Anh Nhựt cho biết, giá thành sản xuất ếch từ 3,2-3,5 triệu đồng/1.000 con, sau hơn 2 tháng thả giống, 1.000 con giống thu sản lượng khoảng 150 kg ếch thương phẩm. Với giá bán từ 30.000-32.000 đồng/kg ếch thương phẩm, trừ chi phí, lợi nhuận từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/1.000 con.

Ngoài ra, anh Nhựt còn có thu nhập từ sản xuất con giống ếch, bình quân từ 100.000-150.000 con/tháng, với giá bán từ 1.000-1.500 đồng/con.
Từ mô hình nuôi ếch xen cá các loại thành công, năm 2018, anh Nhựt tham gia Tổ hợp tác nuôi ếch thương phẩm ấp Ô Chích để chia sẻ kinh nghiệm của mình với nông dân địa phương.

Khi mới thành lập, tổ chỉ có 14 thành viên, qua sản xuất hiệu quả, đến nay có thêm 41 hộ nuôi ếch tham gia tổ hợp tác. Hiện, Tổ hợp tác nuôi ếch thương phẩm ấp Ô Chích có 55 thành viên.
Điều đáng quý ở anh nông dân trẻ này, khi có thu nhập ổn định, anh nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với những người mới vào nghề, tương trợ nhau phát triển kinh tế gia đình.

Những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn được anh đầu tư con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh cho ếch… đến cuối vụ không tính lãi; đồng thời hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân xử lý các bệnh thường gặp, bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định.

Bằng cách làm này, năm 2019, Tổ hợp tác nuôi ếch thương phẩm ấp Ô Chích đã xóa được 10 hộ nghèo, nhiều hộ vươn lên ổn định cuộc sống, và năm 2020, anh Nhựt tiếp tục hỗ trợ đầu tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm cho 12 hộ có hoàn cảnh khó khăn sản xuất ếch thương phẩm.
Theo anh Nhựt, ếch có khả năng thích nghi tốt, có thể sinh trưởng trong môi trường nước có độ mặn từ 0-3‰, hộ nuôi chỉ cần ít đất sản xuất và vốn đầu tư. Việc nuôi ếch kết hợp cá giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Anh Nhựt lưu ý, để giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, các hộ nên nuôi ếch bố mẹ và cho sinh sản tại chỗ để đảm bảo nguồn giống chất lượng.

Trong quá trình ương giống, hạn chế việc sử dụng kháng sinh, thường xuyên chọn lọc, phân cỡ cho ếch đồng đều, để tránh chúng ăn thịt lẫn nhau.
Hiện nay, đầu ra con ếch khá ổn định, thương lái thu mua mua không hạn chế sản lượng. Mới đây, Tổ hợp tác nuôi ếch thương phẩm ấp Ô Chích đã sản xuất khô ếch và được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành đón nhận.

Bên cạnh đó, tổ hợp tác dự định tiếp tục cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm từ ếch như: đùi ếch tươi, khô ếch đóng gói, chà bông ếch…
Để đảm bảo tính bền vững lâu dài, anh Nguyên Minh Nhựt mong muốn được ngành chức năng hỗ trợ Tổ hợp tác đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; đồng thời hỗ trợ tổ hợp tác tiếp cận các chính sách nhà nước để nông dân mở rộng diện tích sản xuất và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Mô hình nuôi ếch xen cá các loại của nông dân Nguyễn Minh Nhựt được ngành nông nghiệp huyện Cầu Kè đánh giá cao và khuyến khích nông dân địa phương nhân rộng.
Bà Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết, huyện Cầu Kè có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp gần 20.000 ha. Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, nhiều diện tích sản xuất không hiệu quả vì ảnh hưởng hạn, mặn.

Vì vậy, địa phương chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Nuôi ếch xen cá các loại là một trong những mô hình chuyển đổi hiệu quả ở huyện.

Tuy nhiên, để đảm bảo mô hình thành công bền vững, địa phương đang tìm kiếm doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho tổ hợp tác nhằm tạo đầu ra ổn định, để nông dân địa phương mạnh dạn mở rộng diện tích./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục