Nút thắt và giải pháp trong phát triển hạ tầng đường sắt

19:38' - 25/09/2019
BNEWS Việc nhận thức và hành động chưa đồng nhất, vẫn cho rằng đường sắt là một trong những lĩnh vực quan trọng trong ngành kinh tế chung chứ không phải kết cấu hạ tầng trong ngành giao thông vận tải.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Chiều 25/9, Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển: Nút thắt và giải pháp”, nhằm lấy ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về những khó khăn, thách thức, những điểm nghẽn mà ngành đường sắt cần tháo gỡ để đưa tiềm năng, thế mạnh của vận tải đường sắt thực sự đi vào cuộc sống.

Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hệ thống đường sắt hình thành từ thế kỷ trước nhưng hạ tầng bao nhiêu năm qua vẫn như cũ, không xây dựng thêm được những tuyến mới để kết nối các vùng miền khác, vẫn tập trung ở trục Bắc - Nam. Thậm chí, chúng ta còn dỡ bỏ mốt số tuyến nhưng làm mới lại rất ít, chỉ vài chục cây số ở phía Bắc.

Hiện nay, việc nhận thức và hành động chưa đồng nhất, chúng ta vẫn cho rằng đường sắt là một trong những lĩnh vực quan trọng trong ngành kinh tế chung chứ không phải kết cấu hạ tầng trong ngành giao thông vận tải. Tuy vậy, việc đầu tư, khai thác, phát triển ngành đường sắt còn ở mức độ hạn chế.

Do đó, việc xuống cấp của cầu đường đang rất hiện hữu, không có điểm kết nối với các trung tâm các luồng hàng, tác động đến thị trường vận tải kém.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, ngành đường sắt phải khai thác tốt nhất những gì đang có và bố trí nguồn lực cho khai thác, rồi mới xây dựng các tuyến ưu tiên tiếp.

Ngay cả những tuyến hiện hữu, chúng ta cũng phải đầu tư để kết nối tốt hơn, làm quy hoạch tốt về đầu mối hàng hóa.

Do cách phân bổ khu công nghiệp của ta rất phân tán, không tập trung được mối hàng hóa nên phải giải quyết nút thắt từ việc tổ chức khai thác, cho đến liên kết khai thác, hoạch định quy hoạch là làm những kết nối vào cảng hoặc trung tâm logistics thì mới phát huy được ưu thế của đường sắt.

Bên cạnh đó, đường sắt của Việt Nam không phải riêng vận tải hàng hóa, ta phải xác định từ đường sắt ta có thể kết nối ra quốc tế.

Hiện nay, một số dự án đang được đầu tư trọng tâm, trọng điểm như tuyến đường sắt Bắc - Nam; Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tập trung đồng bộ về tải trọng của cầu, sửa chữa, nâng cấp…

Ngoài ra, phải có đột phá về bố trí nguồn lực để làm các tuyến lên các trung tâm hoặc kết nối quốc tế, lúc đó thì thị phần vận tải mới hài hòa được giữa các phương thức vận tải.

Đánh giá nguyên nhân khiến vai trò của ngành đường sắt ngày càng thu hẹp, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thứ nhất nhà nước chưa có tầm nhìn chiến lược về quy hoạch đường sắt, trên cơ sở nền tảng mà đường sắt để lại. Đáng nhẽ đường sắt phải là loại hình giao thông ưu tiên số một so với 4 loại hình giao thông.

Ngành đường sắt phải khai thác tốt nhất những gì đang có và bố trí nguồn lực cho khai thác. Ảnh: TTXVN

Thứ hai, ngành đường sắt chưa nhận thấy những thách thức, chưa tự đổi mới về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động để thích nghi với sức cạnh tranh khốc liệt của thị trường và vẫn trông chờ vào đầu tư của nhà nước.

Đề cập đến những khó khăn của ngành đường sắt, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ, đối với đường sắt có 3 yếu tố: một là chất lượng hạ tầng, hai là chất lượng phương tiện, ba là chất lượng dịch vụ.

Thời gian vừa qua, chất lượng phương tiện chúng ta cố gắng thúc đẩy đóng mới trong nước, thúc đẩy cơ khí đường sắt trong nước phát triển, nâng lên đến 80% nội địa hóa trong nước.

Chất lượng dịch vụ có sự thay đổi, nhưng chất lượng hạ tầng có kết cấu chạy tàu, hai là hạ tầng kết nối vì không thúc đẩy phát triển nên năng lực thông qua bị hạn chế.

Đối với phương thức vận tải khác, có thể gia tăng phương tiện, gây áp lực để thúc đẩy động lực phát triển hạ tầng.

Nhưng đối với đường sắt, điều hành tập trung thống nhất. Do vậy, chúng ta cần sửa đổi cơ chế làm sao bình đẳng với các phương tiện vận tải khác. Thực tế hiện nay, vốn thì hữu hạn nhưng cơ chế thì không hữu hạn nên cần sửa đổi cơ chế.

Nhìn nhận việc sử dụng nguồn lực để ngành đường sắt vận hành có hiệu quả, ông Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đưa ra gợi ý, nghiên cứu sử dụng nhà ga, đặc biệt là nhà ga lớn, không chỉ đơn thuần là trạm trung chuyển, mà có thể trở thành trung tâm thương mại, khu vui chơi, dịch vụ, bảo tàng…

Theo ông Trần Thọ Đạt, hiện nay có hơn 290 tuyến ga xuyên suốt hệ thống đường sắt ở Việt Nam. Nhiều nước phát triển và một số nước trong khu đã chuyển đổi nhà ga, đặc biệt là nhà ga lớn – trở thành các trung tâm thương mại, dịch vụ.

Việc này  tạo điều kiện cho xã hội hóa và sử dụng nguồn lực đang có một cách hiệu quả hơn, đồng thời, cũng là cách ứng xử với các phương tiện vận tải công bằng hơn. Việt Nam có thể nghiên cứu để vận dụng hợp lý với điều kiện kinh tế - xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục