Ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, cà phê nhân bất chấp khuyến cáo

17:35' - 22/09/2018
BNEWS Thấy nhiều gia đình trúng hồ tiêu, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng, nhiều nông hộ đã quyết định chuyển đất nương rẫy trồng ngô lai, đậu đỗ sang trồng hồ tiêu.
Người dân chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Hiện nay, giá cà phê nhân, hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang giảm sâu khiến cho các nông hộ thêm lao đao, khó khăn. Cụ thể, giá cà phê nhân hiện nay giảm xuống chỉ còn 31.900 đồng đến 32.400 đồng/kg, hồ tiêu giảm xuống còn 49.000 đồng đến 50.000 đồng/kg.

Theo tính toán của các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên, với giá như hiện nay thì ngang với giá thành sản xuất (với điều kiện vườn cây phải đạt từ 2,5 tấn cà phê nhân/ha, hồ tiêu từ 3 tấn/ha trở lên), còn đạt dưới năng suất trên thì lỗ nặng.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, một trong những nguyên nhân chính làm cho giá giảm sâu là do những năm trước đây khi thấy giá cà phê nhân, hồ tiêu tăng cao (cà phê nhân có lúc tăng lên 47.000 đồng/kg, hồ tiêu tăng lên trên 220.000 đồng/kg), các nông hộ đã bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng "đua nhau" ồ ạt mở rộng diện tích, sản xuất không theo quy hoạch, kế hoạch.

Các nông hộ ở các tỉnh vùng Tây Nguyên đã chặt phá lấn chiếm rừng, đất rừng trái phép, chuyển đất gò đồi, đất không chủ động nguồn nước…để trồng cà phê, hồ tiêu.

Năm 2012, gia đình anh Nguyễn Văn Long, trú tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) thấy nhiều gia đình ở trong xã, trong huyện trúng hồ tiêu, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng, thậm chí có gia đình thu lãi hàng tỷ đồng nên anh quyết định chuyển 3 ha đất nương rẫy trồng ngô lai, đậu đỗ sang trồng hồ tiêu.

Tuy nhiên, do đây là vùng đất trũng, mùa mưa đến thường chậm tiêu, thoát nước nên diện tích hồ tiêu của gia đình không những cho năng suất thấp mà còn bị bệnh chết dần, gây thiệt hại lớn cho gia đình.

Còn gia đình chị Hồ Thị Mến, trú tại xã Ea Lê, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cũng chuyển 2 ha đất rẫy sang trồng cà phê, nhưng sau nhiều năm cà phê cho năng suất thấp do vùng đất không thích hợp với cây cà phê nên gia đình đành phá bỏ để trồng các loại cây ngắn ngày có thu nhập cao hơn…

Theo quy hoạch, diện tích cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2020 là 447.000 ha, trong đó, Đắk Lắk có 170.000 ha, Lâm Đồng 135.000 ha, Gia Lai 73.000 ha, Đắk Nông 69.000 ha…Tuy nhiên, hiện các tỉnh trong vùng đều có tổng diện tích cà phê vượt xa so với quy hoạch.

Còn số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, các tỉnh Tây Nguyên hiện có 597.363 ha cà phê, chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước; trong đó, Đắk Lắk có 204.808 ha, Lâm Đồng 158.624 ha…Đặc biệt, tỉnh Đắk Nông vượt gần gấp đôi diện tích với 135.450 ha…

Tương tự, cây hồ tiêu theo quy hoạch đến năm 2020 là 17.800 ha, nhưng hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã mở rộng diện tích lên tới 92.992 ha; trong đó, Đắk Lắk có diện tích cây hồ tiêu tăng nhanh nhất và cũng là địa phương có diện tích cây hồ tiêu nhiều nhất với gần 39.000 ha (theo quy hoạch chỉ là 16.000 ha). Tỉnh Đắk Nông hiện có 30.212 ha hồ tiêu, trong khi đó theo quy hoạch đến năm 2020 là 6.000 ha…

Do giá cà phê nhân, hồ tiêu hiện nay xuống thấp nên các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đã giảm bớt nguồn vốn đầu tư cho cây cà phê, hồ tiêu, nhất là giảm lượng phân bón phục vụ thâm canh hai loại cây này.

Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đánh giá, mặc dù giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, nhưng các nông hộ cần có chế độ đầu tư chăm sóc, bón phân hợp lý để tránh không bị ảnh hưởng đến năng suất cho các niên vụ sau.

Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cũng khuyến nghị các nông hộ mở rộng việc trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm được thị trường ưa chuộng trong vườn cà phê để không những đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích mà còn góp phần phát triển bền vững cây cà phê, hồ tiêu.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng hướng dẫn các nông hộ kiên quyết không mở rộng thêm diện tích mà tập trung tăng cường đầu tư thâm canh diện tích hồ tiêu hiện có để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khắc phục những tồn tại nêu trên, các ngành chuyên môn cần hướng dẫn các nông hộ chuyển đổi diện tích cây hồ tiêu ở những vùng đất trũng, dễ bị ngập nước sang trồng các loại cây khác để mang lại hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, các tỉnh Tây Nguyên cần tiến hành rà soát quy hoạch sản xuất cà phê theo hướng thích hợp với điều kiện tự nhiên, nhất là nguồn nước tưới, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững.

Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên phấn đấu đến năm 2020 giảm diện tích cà phê xuống chỉ còn khoảng 530.000 ha; trong đó, Đắk Lắk phấn đấu giảm xuống còn 180.000 ha, Lâm Đồng 150.000 ha, Đắk Nông 115.000 ha…; đồng thời đẩy nhanh tiến độ trồng tái canh nhằm phấn đấu đến năm 2020 thực hiện xong tái canh 120.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai.

Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng tái canh được 98.210 ha, đạt trên 81% kế hoạch; trong đó Lâm Đồng đã thực hiện trồng tái canh vượt kế hoạch 13%, Đắk Lắk đạt 77% kế hoạch…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bên cạnh việc giảm diện tích, các tỉnh Tây Nguyên cần đổi mới tổ chức sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm trong vườn cây, đẩy mạnh liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành hàng, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, chế biến...

Riêng Đắk Lắk - vùng trong điểm cà phê của cả nước, mặc dù phấn đấu đến năm 2020 diện tích giảm xuống chỉ còn 180.000 ha, nhưng vẫn phải thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh để đạt sản lượng mỗi niên vụ từ 476.000 đến 504.000 tấn cà phê nhân, tăng hơn 26.000 đến 54.000 tấn so với hiện nay./.

>>> Nông dân Tây Nguyên gặp khó vì cà phê, hồ tiêu giảm giá

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục