Ô nhiễm nghiêm trọng tại suối Reo ở Đồng Nai

11:56' - 10/03/2017
BNEWS Suối Reo thuộc địa phận xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, là con suối tự nhiên, có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái và xây dựng các khu nghỉ dưỡng.
Phân lợn lâu ngày bám dày từng lớp. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Tuy nhiên, suối Reo đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, do nhiều người dân thiếu ý thức đã xả trực tiếp phân lợn và rác thải sinh hoạt xuống suối, khiến con suối bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Dài khoảng 10 km, bắt nguồn từ xã Quang Trung đi qua các xã Gia Tân 3, Gia Tân 2, Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) và cuối cùng đổ vào hồ Trị An, suối Reo được thiên nhiên ưu đãi tạo cho ngọn thác cao khoảng 15 m, bao quanh là rừng phòng hộ, vùng trồng cây ăn quả… có tiềm năng lớn về du lịch. Đây là nguồn cung cấp nước tưới, tiêu, nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân ở Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phân lợn lâu ngày bám dày từng lớp. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Theo người dân nơi đây, hơn 10 năm trước, suối Reo có nước trong vắt và nhiều cá. Nhiều người từ nơi xa đến tham quan và thích thú trước vẻ đẹp hoang sơ của con suối này.

Tuy nhiên, những năm gần đây, người chăn nuôi lợn sinh sống hai bên bờ suối đã xả thải trực tiếp xuống suối, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, đã từ lâu không còn khách tới tham quan thác suối Reo.

Ông Trần Văn Hơn (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) cho biết, trước đây nét đặc trưng của suối Reo là tiếng nước chảy róc rách, nhưng bây giờ nét đặc trưng lớn nhất của suối Reo là nước có màu đen đặc, mùi phân lợn bốc lên hôi thối nồng nặc. Do vậy, chỉ khi nào có việc cần thiết mới có người tới gần bờ suối.

Nước ở suối Reo chuyển màu đen ngòm, mùi hôi thối nồng nặc do phân lợn. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Theo ông Nguyễn Huy Hưng (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất), nhiều đoạn suối Reo qua các xã Quang Trung, Gia Tân 3, Gia Tân 2 và Gia Tân 1 có dòng nước chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối. Các lạch nước, suối nhỏ đổ vào suối Reo phần lớn đều chuyển màu đen và nặng mùi phân lợn.

Tại cầu đập tràn thuộc xã Gia Tân 1 cách suối Reo khoảng 150 m, mức độ ô nhiễm càng nặng hơn, phân lợn đen đặc quánh, sủi bọt, nổi từng lớp trên mặt nước. Bao tải chứa lợn chết, rác từ khắp nơi đổ về ùn ứ, kéo dài hàng chục mét.

Suối Reo đang chết dần do nhiều người dân thiếu ý thức xả thải trực tiếp. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Theo ông Trần Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất là "thủ phủ" chăn nuôi lợn của Đồng Nai, trong khi đó suối Reo chảy qua 4 xã trên là những xã có nhiều hộ dân chăn nuôi lợn nhất. Xã Gia Tân 1 là điểm cuối nguồn của suối Reo trước khi đổ vào hồ Trị An nên phải hứng chịu sự ô nhiễm dồn về.

Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã vận động người dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cấm xả thải ra lòng suối. Những trường hợp xả thải ra suối sẽ bị phạt hành chính, không để phát sinh thêm mức độ ô nhiễm.

Về lâu dài, chính quyền địa phương đã có kế hoạch đưa các trang trại vào khu quy hoạch chăn nuôi tập trung nhằm giảm mức xả thải. Tuy nhiên, việc di dời cần có thời gian và lộ trình.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, huyện đã có kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan di dời 10 trang trại ra xa dòng suối, thường xuyên kiểm tra, không để các trang trại xả thải trực tiếp ra môi trường, đồng thời tiến hành nạo vét lòng suối thông thoáng. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục