Ô tô điện đầu tiên của Xiaomi có giá 69.424 USD

16:09' - 25/03/2024
BNEWS Ngày 25/3, CEO tập đoàn điện tử Xiaomi Lei Jun cho biết, mục tiêu của ông đối với xe điện Xiaomi đầu tiên “chiếc xe đẹp nhất, dễ lái nhất và thông minh nhất” có giá dưới 500.000 NDT (69.424 USD).

Tuyên bố này được Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn điện tử Xiaomi đưa ra giữa bối cảnh nhà sản xuất điện tử Trung Quốc này đang chuẩn bị nhận đơn đặt hàng đầu tiên cho mẫu xe điện mới ra mắt của họ trong tuần này.

 

Vào tối 28/3, Xiaomi sẽ công bố mức giá bán chính thức và bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho mẫu xe điện mang tên SU7 của hãng, với SU là viết tắt của Speed Ultra. Sự kỳ vọng về chiếc xe này đã tăng lên kể từ khi Xiaomi trình làng chiếc xe vào tháng 12/2023 và tuyên bố mục tiêu trở thành một trong 5 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

Ông Lei đã quảng cáo rằng mẫu xe mới mang công nghệ tiên tiến để có khả năng tăng tốc tốt hơn các xe Tesla và xe điện của Porsche.

Các cửa hàng Xiaomi tại Trung Quốc cũng bắt đầu trưng bày mẫu xe này vào ngày 25/3, khiến nhiều khách hàng tiềm năng và những blogger về xe hơi phải xếp hàng để có cái nhìn cận cảnh về phiên bản "đại dương xanh" của SU7.

SU7 sẽ có hai phiên bản - một phiên bản có phạm vi lái xe lên tới 668 km cho một lần sạc và một phiên bản khác có phạm vi di chuyển lên tới 800 km/lần sạc. Trong khi so sánh với Model S của Tesla, hiện có phạm vi hoạt động lên tới 650km/lần sạc.

Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 5 của Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa danh mục kinh doanh sang xe điện, giữa bối cảnh nhu cầu về điện thoại thông minh (smartphone) trì trệ. Kế hoạch này đã được Xiaomi đưa ra lần đầu tiên vào năm 2021. Các công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng đã hợp tác với các nhà sản xuất ô tô để phát triển xe điện bao gồm gã khổng lồ viễn thông Huawei và công ty công cụ tìm kiếm Baidu.

Xiaomi đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất ô tô trong hơn một thập kỷ và là một trong số ít công ty mới tham gia thị trường xe điện của Trung Quốc nhận được sự chấp thuận từ chính quyền do nguồn cung xe điện đang dư thừa.

Ô tô của Xiaomi đang được sản xuất bởi một công ty con của tập đoàn ô tô quốc doanh BAIC tại một nhà máy ở Bắc Kinh, với công suất 200.000 xe/năm.

Xiaomi đã tung ứng dụng "Xiaomi Car" của mình lên các cửa hàng ứng dụng cho thiết bị di động tại Trung Quốc, bao gồm App Store của Apple, để phục vụ khách hàng sử dụng ô tô của hãng.

Xiaomi cho hay họ đã xác định được một phân khúc người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi trả cho chiếc ô tô điện sắp ra mắt của tập đoàn, trong một thị trường đang cạnh tranh gay gắt như Trung Quốc.

Chủ tịch Xiaomi Group, ông Weibing Lu, nói rằng mẫu xe điện SU7 là điểm khởi đầu tốt cho Xiaomi trong phân khúc cao cấp. Vì Xiaomi hiện đã có 20 triệu người dùng cao cấp cho sản phẩm smartphone ở Trung Quốc và nhóm khách này hoàn toàn có thể mua chiếc ô tô của tập đoàn.

Ông Lu cho biết cách tiếp cận của Xiaomi dựa trên phát triển hệ sinh thái cũng như chiến lược “cao cấp hóa” sản phẩm smartphone - vốn ra mắt vào năm 2020 và kể từ đó đã đạt được nhiều tiến bộ.

Vào mùa Thu năm ngoái, Xiaomi đã ra mắt hệ điều hành mới có tên HyperOS. Tập đoàn tuyên bố hệ thống này bao gồm một thành phần trí tuệ nhân tạo (AI) có thể học hỏi từ hành vi của người dùng để tự động điều chỉnh các thiết bị được kết nối, chẳng hạn như hệ thống chiếu sáng trong nhà.

HyperOS hiện chỉ có trên điện thoại Xiaomi 14. Tuy nhiên, ông Lu cho biết hệ thống này sẽ được triển khai trong những tháng tới cho các thiết bị và cả mẫu ô tô điện sắp ra mắt.

Theo Xiaomi, việc chi hàng tỷ USD để phát triển hệ sinh thái và ô tô là một phần trong nỗ lực nhằm đảm bảo doanh nghiệp này có thể tồn tại trong một ngành ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.

Ông Lu cho biết, trong 10 năm hoặc 20 năm nữa, thị trường xe điện có thể sẽ rất giống với thị trường smartphone ngày nay - với 5 thương hiệu hàng đầu nắm giữ khoảng 70% thị trường. Nếu không có số tiền khổng lồ, ông cho rằng Xiaomi khó có thể trở thành “người chơi cuối cùng”.

Sau chiếc ô tô điện đầu tiên, bước tiếp theo của Xiaomi là xây dựng nhà máy của riêng và tự sản xuất các bộ phận chính.

Đầu tháng này, Xiaomi thông báo nhà máy sản xuất smartphone mới của họ tại Bắc Kinh đã bắt đầu hoạt động, với năng lực sản xuất hơn 10 triệu thiết bị.

Bên cạnh đó, tương tự như nhiều công ty Trung Quốc khác, Xiaomi đang tìm kiếm cơ hội phát triển ở thị trường nước ngoài trong tương lai. Trong sáu năm qua, khoảng 40% đến 50% doanh thu của tập đoàn đến từ bên ngoài Trung Quốc, chủ yếu là châu Âu và Ấn Độ.

Ông Lu thừa nhận môi trường chính trị phức tạp khiến Xiaomi gặp khó khăn hơn trong việc vươn ra toàn cầu. Song ông khẳng định Xiaomi có thể vượt qua những thách thức đó bằng cách xây dựng năng lực nội bộ, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trên toàn cầu và mở rộng các loại hình sản phẩm.

Theo công ty dữ liệu thị trường Canalys, Xiaomi là một trong những tên tuổi dẫn đầu thị trường trong ngành smartphone, đứng thứ ba về số lượng xuất xưởng toàn cầu chỉ sau Apple (Mỹ) và Samsung Electronics (Hàn Quốc). Dựa trên số liệu do Canalys tổng hợp, Xiaomi chiếm khoảng 13% thị trường toàn cầu và đã xuất xưởng 146,4 triệu điện thoại vào năm 2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục