OCB ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng bứt phá trong quý cuối năm

16:05' - 24/01/2025
BNEWS Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV năm 2024, ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.453 tỷ đồng, đánh dấu sự chuyển đổi danh mục hướng tới phát triển bền vững.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của OCB đạt 280.712 tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2023. Tín dụng thị trường 1 đạt mức tăng trưởng gần 20%, vượt mức trung bình ngành là 15,08%. Trong đó, dư nợ tín dụng tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm.

Trong quý IV, tổng thu thuần của OCB đạt 3.218 tỷ đồng, tăng 59,5% so với cùng kỳ năm 2023. Thu nhập thuần từ lãi tăng 99,3%, đạt 1.323 tỷ đồng, nhờ tín dụng tăng trưởng gần 20% và biên lợi nhuận (NIM) cải thiện, đạt mức 3,5% vào cuối năm 2024. Thu thuần ngoài lãi cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc khi đạt 563 tỷ đồng, tăng 147,9% so với quý trước.

 
Hoạt động chuyển đổi số cũng mang lại đóng góp đáng kể. Thu thuần từ dịch vụ trong quý IV tăng 126 tỷ đồng, tăng 37,4% so với cùng kỳ, nhờ vào việc đẩy mạnh chuyển đổi số và gia tăng thu phí dịch vụ. Tỷ lệ giao dịch qua kênh số đạt 96,2%, một mức đáng ngưỡng mộ với các ngân hàng trong hệ thống. Riêng OCB OMNI, sau 7 tháng ra mắt phiên bản mới, giao dịch trên kênh này tăng 74%, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 21% và tiền gửi trực tuyến tăng 32% so với cùng kỳ.

Liobank cũng góp phần không nhỏ vào thành tựu này khi đạt 300.000 khách hàng mới, tổng giá trị giao dịch 11 nghìn tỷ đồng và 8 triệu giao dịch, tăng 4,2 lần so với năm 2023. Việc áp dụng Open Banking cũng gặt hái kết quả tích cực với hơn 150 Open API và số giao dịch trung bình hàng tháng đạt 6 triệu giao dịch.

Mặc dù thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ và chứng khoán giảm do các yếu tố thị trường không thuận lợi, kết quả lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 của OCB vẫn đạt 4.006 tỷ đồng. Dù giảm 3,2% so với năm trước, quý IV lại ghi nhận lợi nhuận tăng đột phá 230,1% so với quý III, đạt 1.453 tỷ đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB cho biết: “Năm 2024 là một năm mà OCB có sự thay đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh cũng như hoạt động của ngân hàng. Cụ thể, trước bức tranh kinh tế thế giới và Việt Nam với nhiều biến số khó lường, chúng tôi lựa chọn phương thức thay đổi chiến lược để linh hoạt, nhanh chóng thích nghi với thị trường, tiên quyết theo đuổi mục tiêu hoạt động, kinh doanh bền vững. Do vậy, OCB đã tiến hành tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản trị nợ, thu hồi cũng như xử lý nợ xấu". 

"Bằng chứng cho thấy, quý IV, tình hình kinh doanh của OCB đã có những chuyển biến vô cùng ấn tượng khi lợi nhuận trước thuế tăng đột phá so với quý trước. Ngân hàng cũng duy trì bảng cân đối tài sản lành mạnh với tỷ lệ nợ xấu tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước và giảm so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng nhưng tôi tin, với định hướng rõ ràng cùng nền tảng từ kết quả của quý IV/2024, năm 2025, OCB chắc chắn sẽ quay trở lại đường đua tăng trưởng với một tâm thế mới, cùng những dấu ấn, thành tựu mới”, ông Phạm Hồng Hải chia sẻ. 

Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay tài chính xanh, tập trung vào các dự án bền vững như năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, và công trình xanh. Tín dụng xanh của OCB tăng 30% so với năm 2023. Song song đó, ngân hàng mở thêm 5 chi nhánh và 12 phòng giao dịch, nâng cao năng lực công nghệ và chuyển đổi số.

Trong năm 2025, OCB sẽ tập trung vào các ngành năng lượng, logistics, FMCG và các lĩnh vực thân thiện với môi trường, đồng thời mở rộng hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp SME và các doanh nghiệp có nữ lãnh đạo. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu hỗ trợ các start-up thông qua các dịch vụ tài chính phù hợp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục