OECD: Kinh tế thế giới sẽ giảm ít nhất 6% trong năm 2020

07:30' - 11/06/2020
BNEWS Ngày 10/6, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm ít nhất 6% trong năm nay do các nước áp đặt lệnh phong tỏa nhằm khống chế dịch bệnh COVID-19.

Ngày 10/6, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm ít nhất 6% trong năm nay do các nước áp đặt lệnh phong tỏa nhằm khống chế dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cảnh báo khả năng phục hồi "chậm và không chắc chắn".

Theo tổ chức này, trong trường hợp bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai vào cuối năm, sản lượng kinh tế thế giới có thể giảm tới 7,6% trong năm 2020. Tuy nhiên, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2021 sẽ đạt từ 2,8%-5,2%.

Trong đánh giá mới nhất của mình về kinh tế thế giới, OECD cho rằng vào cuối năm 2021, phần thu nhập bị mất sẽ cao hơn tất cả các kỳ suy thoái kinh tế trong hơn 100 năm qua, gây hậu quả lâu dài và tiêu cực đối với người dân, các doanh nghiệp và chính phủ.

Một số nước sẽ chứng kiến nợ tư nhân ở mức đáng quan ngại và nguy cơ nhiều doanh nghiệp phá sản là rất lớn.

Cũng theo OECD, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, xét nghiệm, truy vết và cách ly những người nhiễm bệnh vẫn là những biện pháp chính trong ứng phó hiệu quả với đại dịch.

Tuy nhiên, những lĩnh vực bị ảnh hưởng các biện pháp đóng cửa biên giới, tránh tiếp xúc gần, trong đó có du lịch, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ sẽ không thể hồi phục như trước.

Đó là chưa kể các biện pháp này vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.

Do đó, các chính phủ cần phải điều chỉnh hỗ trợ, đồng hành cùng quá trình chuyển đổi, tạo điều kiện thúc đẩy các quy trình tái cấu trúc cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, hợp tác toàn cầu trong việc tìm ra phương thức chữa trị và vaccine phòng bệnh COVID-19, cũng như nối lại đối thoại đa phương rộng hơn sẽ là chìa khóa tạo động lực khôi phục kinh tế.

Trong dự báo đưa ra tháng Ba vừa qua, khi dịch COVID-19 chỉ tác động tới Trung Quốc mà chưa ảnh hưởng tới các nền kinh tế lớn, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 0,5% xuống còn 2,4% - mức thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020, cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng, ở mức 5,2% trong năm nay, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng có nguy cơ đẩy 70 triệu đến 100 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo cùng cực, một viễn cảnh tệ hơn nhiều so với con số ước tính 60 triệu người trước đây.

Điều này đồng nghĩa đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, với quy mô các nước bị sụt giảm sản lượng kinh tế bình quân trên đầu người lớn nhất kể từ năm 1870.

Báo cáo của WB cũng cho rằng hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng.

Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ giảm 2,5% trong năm nay -  sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục