Olympic Tokyo 2020 không khán giả có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế

09:16' - 22/07/2021
BNEWS Việc các nhà tổ chức gần đây đã quyết định cấm khán giả do những lo ngại về sức khỏe của cộng đồng sẽ gây ra những thiệt hại về kinh tế rất lớn

Ông Takeshi Niinami, một trong những lãnh đạo doanh nghiệp có tiếng nhất của Nhật Bản, Giám đốc điều hành công ty nước giải khát Suntory, người cũng là cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Yoshihide Suga, cho rằng Olympics đang bị mất đi giá trị thương mại của mình.

Ông Niinami cho biết công ty của ông, với các thương hiệu như Orangina và Jim Beam, đã quyết định không trở thành một nhà tài trợ chính thức cho Thế vận hội Tokyo sắp tới, khi cho rằng điều này là quá tốn kém.

Thay vì vậy, Suntory đã chọn một cách khác để tăng cường sự hiện diện trong suốt thời gian diễn ra Olympics, bắt đầu từ ngày 23/7. Đó là kết hợp với các cửa hàng và quán bar xung quanh các địa điểm thi đấu để khuyến mại đồ uống và mở một số điểm phục vụ các sản phẩm dành riêng.

Ông Niinami nói ông đã hy vọng sẽ có rất nhiều khán giả đến từ nước ngoài. Ông cho rằng việc các nhà tổ chức gần đây đã quyết định cấm khán giả do những lo ngại về sức khỏe của cộng đồng sẽ gây ra những thiệt hại về kinh tế rất lớn, khi doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tăng gần 10% nếu khán giả được vào xem các trận đấu.

Theo ước tính của nhà kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura, việc không một khán giả Nhật Bản nào được phép vào xem các trận đấu có thể khiến kinh tế Nhật Bản thiệt hại 146,8 tỷ yen (1,3 tỷ USD).

Trong một báo cáo hồi tháng Sáu, ông nhấn mạnh rằng phần lớn những lợi ích kinh tế từ Thế vận hội Tokyo đã tiêu tan sau quyết định cấm khán giả nước ngoài tới Nhật Bản được đưa ra hồi tháng Ba, một quyết định được cho là sẽ gây thiệt hại 1,4 tỷ USD.

Trong tháng Bảy, Nhật Bản xác nhận Thế vận hội Tokyo sẽ diễn ra trong tình trạng khẩn cấp do đại dịch. Đây là điều không được các công ty như Suntory mong đợi, với những kỳ vọng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ gia tăng. Cho đến nay, hơn 60 doanh nghiệp Nhật Bản đã chi một số tiền kỷ lục là 3 tỷ USD cho Thế vận hội Tokyo và nhiều doanh nghiệp trong số ngày đang lo ngại về những gì thu về được từ khoản đầu tư của họ.

Một số doanh nghiệp đã xem xét lại việc tham gia vào Thế vận hội. Ông Akio Shinya, Giám đốc quản lý Tokyo Skytree, tháp truyền hình cao nhất thế giới, cho biết, công ty của ông năm ngoái đã cân nhắc việc có nên trở thành nhà tài trợ trong tình hình hiện nay hay không. Mặc dù sau đó vẫn quyết định tham gia, công ty của ông đã buộc phải hủy nhiều sự kiện.

Trong tuần này, hãng sản xuất ô tô Toyota, một trong những nhà tài trợ lớn nhất, cho biết sẽ không tung ra các quảng cáo liên quan đến sự kiện này tại Nhật Bản, mà chỉ chạy các quảng cáo thông thường./.

>>Olympic Tokyo 2020: Hàu "tấn công" địa điểm thi chèo thuyền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục