Óng ả dải lụa miến Cự Đà

17:16' - 07/02/2016
BNEWS Cách Hà Nội 20km theo hướng tây, chúng tôi hành trình đến một ngôi làng truyền thống lâu đời... làng miến Cự Đà.

Tạm xa nơi ồn ào náo nhiệt, cưỡi con ngựa sắt cà tàng, tôi tìm về với làng nghề truyền thống làm miến Cự Đà (huyện Thanh Oai) để lưu lại những khoảnh khắc đẹp tuyệt vời của những bức mành được làm bằng sợi miến.

Nép mình bên con sông Nhuệ, làng trải dài và có hình xương cá với những ngõ xóm đâm ngang, hẹp, lát gạch đỏ. Cổng ngõ nào cũng chạy ra đến sông với những thềm gạch vươn tận mép nước.

Miến Cự Đà vàng óng, mượt mà được phơi ở mọi nơi trong làng tưởng như  đang lạc vào làng sản xuất lụa.  Ảnh: Đức Dũng/BNEWS.

Sự quy hoạch tự nhiên của làng với mô hình “nhất cận thị, thị cận giang” điển hình cho một làng Việt cổ vừa nông nghiệp, vừa thương mại.

Có lẽ Tết đã đến gần nên không khí nơi đây rộn ràng hơn hẳn mọi ngày. Xe cộ ra vào tấp nập, hàng hóa đầy sân khiến tôi như bị hút hồn vào ma trận của những sợi miến. Trong sân, trên những bậu cửa và ngay cả trên sân phơi đâu đâu cũng là miến. 

Hòa chung là tiếng máy cắt cùng những tiếng cười giòn tan đón tôi trong một chiều đông đầy nắng ấm.Với những người con xứ Bắc, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, ai ai cũng mong mỏi được trở về bên gia đình, bên mâm cơm ngày Tết, bên bát miến dong nấu với lòng mề gà, thơm ngon, giòn dai của làng nghề Cự Đà.

Miệng nói tay làm, anh Lê Tuấn, chủ xưởng làm miến tại làng tâm sự, nghề làm miến từ dong giềng ở Cự Đà phải trải qua nhiều công đoạn và sự cẩn thận, tỉ mỉ với tâm huyết của người làm nghề. Để sợi miến đạt đủ độ thơm ngon và dai khi nấu, người làm không thể bỏ qua, hay làm ẩu ở bất kỳ bước nào.

Bột dong giềng phải trải qua sơ chế, hòa với nước ở tỷ lệ nhất định để tạo ra hỗn hợp, đem đi tráng thành bánh, hấp chín rồi phơi nắng. Sau đó, các xưởng sẽ cán thành sợi để tạo ra những sợi miến. Để sản phẩm miến hoàn thiện, những người làm miến phải phơi thêm một nắng nữa mới có thể đóng gói và đem đi tiêu thụ.

Sản phẩm miến Cự Đà sẽ được đưa đi mọi miền đất nước, tới các chợ lớn, nhỏ của Hà Nội và người tiêu dùng các tỉnh miền Trung, miền Nam. Ảnh: BNEWS.

Chính vì vậy, mỗi dịp Tết đến, lượng miến sản xuất, tiêu thụ tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Mỗi ngày cả làng có thể tiêu thụ cả chục tấn miến, nhiều khách hàng phải đặt hàng từ trước mới có hàng để lấy. Đã ngon lại gần thành thị, tiếng lành đồn xa nên thương lái khắp nơi đổ về đây đóng hàng.

Cũng vì thế, không khí vốn đã tập nập lại càng rộn ràng hơn khi Tết đang bên thềm. Chỉ cần qua cổng làng thôi là nhìn đâu cũng thấy những chiếc bánh tráng được căng trên tấm phên lớn và phơi ở mọi nơi. Từ sân phơi trong nhà, trên sân thượng, bãi sân cỏ rộng, rồi đến cả những con đường làng. 

Những dải lụa bằng miến phơi trong nắng cứ thế nối tiếp nhau trên từng ngõ ngách, tạo nên một khung cảnh rất đẹp, thu hút sự tò mò của những du khách và cả những nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Làng sản xuất miến Cự Đà ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và biết đến của những người thưởng thức ẩm thực trong nước và quốc tế.

Mặc dù xứ Bắc có nhiều thương hiệu miến khá nổi tiếng được biết đến như làng làm miến Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai của huyện Hoài Đức (Hà Nội), hay làng Kiện Khê (Hà Nam), miến Bình Lư, miến đục Côn Minh... Nhưng miến Cự Đà vẫn là thương hiệu ghi dấu ấn trong làng ẩm thực với vị ngon ngọt, giòn dai và khác biệt hơn cả.

Dù nhiều người trong làng vẫn duy trì và giữ lửa làng nghề nơi đây bằng cách làm ăn theo hướng bài bản, có cơ sở sản xuất tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để vươn lên phát triển trong khó khăn. Nhưng Cự Đà cũng không ngoại lệ khi có những cá nhân chạy theo lợi nhuận đã không còn giữ được cái tâm, cái nghề của mình, khiến cho thương hiệu miến Cự Đà mang nhiều tiếng xấu.

Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, thông tin về các sản phẩm luôn được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, chắc chắn, miến Cự Đà sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm miến từ các làng nghề khác.

Những người làm nghề miến tại Cự Đà cũng sẽ phải đối mặt với thách thức giữa giữ lửa, giữ nghề truyền thống và bỏ nghề vì lợi nhuận trước mắt nhưng họ vẫn mong muốn được sống với nghề. 

Miến Cự Đà vẫn là một món ăn ngon, thân thuộc không chỉ trong ngày Tết, ngày lễ hội của những người con Việt Nam, mà ngay trong đời sống thường nhật. Miến dong vô hình chung đã tạo nên vẻ đẹp trong từng nét ẩm thực của người Việt, được bạn bè quốc tế quan tâm. Nghệ thuật, sự giản dị và hương vị thơm ngon, giòn dai, tất cả đã làm nên thương hiệu làng miến Cự Đà ngày nay.

Tạm biệt Cự Đà đầy lưu luyến, tôi sẽ trở lại đây một ngày không xa để lại được đón những tia nắng vàng dưới từng phên bánh. Hy vọng khi gặp lại, Cự Đà sẽ được khoác trên mình chiếc áo thương hiệu dày dặn và chắc chắn hơn nữa để những sợi miến vàng không dừng lại ở trong nước, mà tiếp tục nối tiếp nhau, vươn ra thị trường thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục