“Ông lớn” bán dẫn TSMC xây dựng nhà máy đầu tiên tại châu Âu

22:05' - 20/08/2024
BNEWS “Gã khổng lồ” sản xuất chip TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 20/8 đã khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên tại châu Âu ở thành phố Dresden phía đông nước Đức.
“Gã khổng lồ” sản xuất chip TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 20/8 đã khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên tại châu Âu ở thành phố Dresden phía đông nước Đức, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thu hút các chuỗi cung ứng quan trọng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tham dự lễ khởi công cùng với ban lãnh đạo cấp cao của TSMC.

 
TSMC đang đầu tư khoảng 3,5 tỷ euro (3,9 tỷ USD) vào dự án ở Dresden này và sẽ sở hữu 70% cổ phần, trong khi nhà sản xuất chip Hà Lan NXP, Infineon và Bosch của Đức sở hữu 10% mỗi công ty.

Nhà máy ở Dresden sẽ chuyên sản xuất chất bán dẫn cho ngành công nghiệp ô tô hàng đầu của Đức, vốn đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Khoảng 10 tỷ euro đã được đổ vào dự án lớn này. Trong đó, Chính phủ Đức đang hỗ trợ nhà máy Dresden 5 tỷ USD, và đã được EU miễn trừ các quy tắc về trợ cấp nhà nước cho hoạt động này.

Nhà máy nói trên dự kiến sẽ cung cấp khoảng 2.000 việc làm và bắt đầu sản xuất trước cuối năm 2027. Nhà máy sẽ có công suất sản xuất hàng tháng là 40.000 tấm bán dẫn silicon 300mm - một trong những công nghệ tiên tiến nhất.

Vùng lãnh thổ Đài Loan có một ngành công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ, phần lớn nhờ sự thống trị của TSMC. Nhưng chuỗi cung ứng trong ngành này rất dễ chịu tác động của các diễn biến địa chính trị. Vì thế, TSMC cần phải mở rộng hoạt động của mình bằng cách xây dựng các nhà máy ở những nơi khác trên thế giới.

Trong khi đó, các nước phương Tây lại đang đẩy mạnh những nỗ lực nhằm thu hút hoạt động sản xuất chất bán dẫn. Ông Scholz ngày 20/8 nhấn mạnh: "Chúng ta (EU) phụ thuộc vào chất bán dẫn để có các công nghệ bền vững trong tương lai", nhưng "chúng ta không được phụ thuộc vào nguồn cung chip từ những khu vực khác trên thế giới”.

Hồi tháng 7/2024, TSMC công bố lợi nhuận ròng tăng mạnh trong quý II/2024, nhờ nhu cầu ctoàn cầu đối với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. TSMC cho biết lợi nhuận ròng quý II/2024 đạt 247,8 tỷ đô la Đài Loan (7,6 tỷ USD), tăng 36% so với 181,8 tỷ đô-la Đài Loan của cùng kỳ năm ngoái. 

Doanh thu quý II của tập đoàn tăng 32%, lên 20,82 tỷ USD. Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính của tập đoàn, Wendell Huang, cho biết hoạt động kinh doanh quý II nhận được sự hỗ trợ từ nhu cầu lớn đối với các công nghệ sản xuất chip 3 nm và 5 nm.

Bước sang quý III, TSMC kỳ vọng nhu cầu điện thoại thông minh và các công nghệ liên quan đến AI mạnh sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của tập đoàn. TSMC ước tính doanh thu quý III sẽ tăng lên mức 23,2 tỷ USD. 

Trong tháng 7/2024, tập đoàn niêm yết cổ phiếu tại Đài Loan và New York này đã phá được ngưỡng vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD, vượt Tesla trở thành công ty công nghệ có giá trị lớn thứ 7 trên thế giới.

Với các khách hàng như Apple và Nvidia, TSMC kiểm soát hơn 50% sản lượng đĩa bán dẫn của toàn cầu.

Sau thành công nhanh chóng của ChatGPT, TSMC hiện đi đầu trong những đổi mới về AI tạo sinh, đẩy mạnh sản xuất các loại chip tiên tiến nhất của thế giới, được sử dụng cho các sản phẩm được sản xuất tại Thung lũng Silicon.

TSMC trước đó cho biết sẽ đưa công nghệ sản xuất chip mới có tên "A16" vào sản xuất trong nửa cuối năm 2026, qua đó mở ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ với đối thủ lâu năm là Intel trong việc sản xuất chip nhanh nhất thế giới.

Ông Kevin Zhang, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển kinh doanh của TSMC, cho biết công ty đã phát triển quy trình sản xuất chip A16 mới nhanh hơn dự kiến do nhu cầu từ các công ty chip AI, nhưng không nêu tên các khách hàng cụ thể.

Ông Zhang cho hay TSMC không tin rằng công ty này cần phải sử dụng máy khắc quang học cực tím "High NA EUV" mới của ASML để chế tạo chip A16. Trước đó, Intel cho biết họ sẽ là công ty đầu tiên sử dụng loại máy này, có giá 373 triệu USD/chiếc, để phát triển chip 14A của mình.

Ngoài ra, TSMC cũng tiết lộ một công nghệ mới để cung cấp năng lượng cho chip máy tính từ mặt sau của chip. Công nghệ này sẽ giúp tăng tốc độ của chip AI và sẽ được đưa ra vào năm 2026. Intel cũng đã từng công bố một công nghệ tương tự, dự kiến sẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh chính của công ty này.

Trước đó, TSMC cam kết chỉ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại nhà máy ở thị trấn Kikuyo, thuộc tỉnh Kumamoto trên vùng đảo Kyushu của Nhật Bản.

Đối với các nhà sản xuất chip cần sử dụng liên tục lượng điện lớn, năng lượng tái tạo có chi phí lớn, nhưng TSMC đang nỗ lực giảm lượng khí thải không chỉ vì trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn để đáp ứng yêu cầu của các khách hàng lớn.

Cùng với TSMC, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Kyushu, hòn đảo lớn thứ 3 trong 4 hòn đảo chính của Nhật Bản, đang chuyển sang năng lượng tái tạo.

TSMC cũng có kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại tất cả các nhà máy khác cũng ở nước ngoài.

Các nhà máy sản xuất chip hoạt động liên tục và sử dụng lượng điện lớn. Công nghệ càng hiện đại, lượng điện tiêu thụ càng lớn. Tại Đài Loan, chỉ riêng TSMC sử dụng gần 21 tỷ kWh điện vào năm 2022, chiếm một tỷ lệ phần trăm đáng kể trong tổng lượng điện được tiêu thụ tại vùng lãnh thổ này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục