OPEC+ cân nhắc việc trì hoãn tăng sản lượng

10:54' - 05/09/2024
BNEWS OPEC+ đã bắt đầu thảo luận về khả năng trì hoãn kế hoạch nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau khi giá dầu sụt giảm trong những ngày gần đây, xuống mức thấp nhất trong 9 tháng.

Giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng vào sáng sớm phiên giao dịch ngày 4/9, do lo ngại về nhu cầu giảm và triển vọng nguồn cung tăng. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đang cân nhắc lại kế hoạch nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 10 do đợt giảm giá mạnh này. Tuy nhiên, giá dầu đã phục hồi nhẹ sau khi có thông tin rằng OPEC+ đang xem xét duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

 
OPEC+ đã bắt đầu thảo luận về khả năng trì hoãn kế hoạch nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau khi giá dầu sụt giảm trong những ngày gần đây, xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Cuối phiên 4/9, giá dầu đã đảo chiều đi lên sau khi có báo cáo về khả năng trì hoãn việc nới lỏng kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Giá dầu đã giảm mạnh vào ngày 3/9, xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm ngoái, với giá dầu Brent rơi xuống dưới mức 74 USD/thùng và giá dầu WTI giảm xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng. Giá dầu bị tác động bởi những đồn đoán xuất hiện vào cuối tuần trước rằng OPEC+ sẽ bắt đầu bổ sung 180.000 thùng/ngày trong tháng 10 tới, như kế hoạch được vạch ra trước đó.

Những lo ngại về nhu cầu dầu suy yếu từ Trung Quốc, đà giảm tốc của các nền kinh tế Mỹ và châu Âu, cùng với hy vọng hoạt động sản xuất dầu của Libya (Li-bi) có thể khởi động lại, đã làm gia tăng tâm lý bi quan trên thị trường trong những ngày gần đây.

Sau khi giá giảm gần 5% vào phiên 3/9, các báo cáo bắt đầu xuất hiện vào ngày 4/9 rằng OPEC+ hiện đang cân nhắc việc tạm hoãn việc nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ tháng 10. Một nguồn tin từ OPEC+ nói với hãng tin Reuters rằng có những đề xuất trì hoãn việc tăng sản lượng”, trong khi một nguồn tin khác cho rằng khả năng trì hoãn là “rất cao” vào thời điểm này.

Hầu hết các nhà sản xuất OPEC+ cần giá dầu nằm trên mức 80 USD/thùng để cân đối ngân sách của họ. Áp lực giá càng lớn, OPEC+ càng có khả năng phải hủy bỏ kế hoạch đưa nguồn cung trở lại thị trường. Tuy nhiên, các chiến lược gia về hàng hóa của ING cho rằng, câu hỏi đặt ra là khi nào OPEC+ có thể đưa nguồn cung trở lại thị trường mà không gây áp lực lớn lên giá dầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục