OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ

21:29' - 14/11/2022
BNEWS Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022.

Ngày 14/11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022, viện dẫn những thách thức kinh tế ngày càng lớn, trong đó có lạm phát và lãi suất cao. Đây là lần thứ 5 OPEC hạ dự báo nhu cầu kể từ tháng 4 năm nay.

 

Trong báo cáo hằng tháng, OPEC nêu rõ nhu cầu dầu mỏ của năm 2022 sẽ tăng 2,55 triệu thùng/ngày, tương đương 2,6%, giảm 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC cho biết nền kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong quý IV/2022.

Các rủi ro này bao gồm lạm phát cao, việc các ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ, tỷ lệ nợ công cao tại nhiều khu vực, thị trường lao động ngày càng thu hẹp và những hạn chế kéo dài của chuỗi cung ứng.

OPEC dự báo năm tới nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng thêm 2,24 triệu thùng/ngày, thấp hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC nhận định bên cạnh những rủi ro, vẫn còn nhiều nhân tố tích cực tác động đến kinh tế. Vì vậy, tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2022 và 2023.

Theo OPEC, triển vọng kinh tế có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như giải pháp cho vấn đề địa chính trị tại Đông Âu có thể tác động đến lạm phát, giúp giảm bớt việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Báo cáo này được đưa ra trước thềm cuộc họp của OPEC và các đối tác (OPEC+) vào ngày 4/12 tới nhằm thống nhất chính sách. Tuần trước, Saudi Arabia cho biết OPEC+ vẫn đang giữ lập trường thận trọng.

Sau khi báo cáo được công bố, giá dầu tiếp tục đà giảm và được giao dịch quanh mức 95 USD/thùng.

Trước đó, trong cuộc họp chính sách ngày 5/10 tại Vienna (Áo), các Bộ trưởng Năng lượng các nước OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11.

Đây là lần cắt giảm sản lượng nhiều nhất của OPEC+ kể từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, bất chấp lo ngại động thái này có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn và khiến các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục