Oscar 2020 - "Parasite" đi vào lịch sử

16:19' - 10/02/2020
BNEWS Thần may mắn đã mỉm cười với ekip làm phim "Parasite" với chiến thắng cuối cùng ở 4 hạng mục quan trọng trong đó có 2 hạng mục nổi bật là "Phim truyện xuất sắc nhất" và "Đạo diễn xuất sắc nhất".
Đạo diễn phim “Parasite” Bong Joon-ho tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 ở nhà hát Dolby, Los Angeles, Mỹ, ngày 9/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Sáng 10/2 (theo giờ Việt Nam), lễ trao giải Oscar lần thứ 92 - giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất thế giới – đã được tổ chức tại địa điểm "truyền thống" là Nhà hát Dolby trên Đại lộ Danh vọng ở thành phố Los Angeles (Mỹ) và được phát sóng trực tiếp trên kênh ABC tại hơn 225 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đây là lần thứ hai liên tiếp, và cũng mới là lần thứ hai trong 30 năm qua, lễ trao giải Oscar không có người dẫn chương trình. Thay vào đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) – đơn vị sáng lập và tổ chức lễ trao giải - chỉ mời các ngôi sao điện ảnh và nhân vật nổi tiếng xướng danh đề cử, cũng như công bố giải thưởng của từng hạng mục.

Mặc dù vậy, việc có hay không có người dẫn chương trình cũng không khiến giới mộ điệu bận lòng cho lắm. Điều họ quan tâm nhất tại sự kiện năm nay chính là cuộc đua song mã giữa "1917" và "Parasite" – hai tác phẩm kinh điển đại diện cho hai môtíp hoàn toàn khác nhau: một bên là sử thi chiến tranh (lịch sử Oscar chứng minh đây là dòng phim rất được lòng AMPAS) và một bên là phim đề tài xã hội đậm chất Á Đông.

Và thần may mắn lần này đã mỉm cười với ekip làm phim "Parasite" với chiến thắng cuối cùng ở 4 hạng mục quan trọng trong đó có hai hạng mục nổi bật là "Phim truyện xuất sắc nhất" và "Đạo diễn xuất sắc nhất".

Đoàn làm phim "Parasite" trên thảm đỏ Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 tại nhà hát Dolby, Los Angeles, Mỹ, ngày 9/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là lần đầu tiên AMPAS trao cơ hội tranh giải "Phim truyện xuất sắc" cho một tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc và mới là lần thứ 11 một bộ phim không sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh nhận đề cử ở hạng mục cao quý nhất này.

Thành tích 24 lần chiến thắng ở hạng mục "Phim xuất sắc nhất" tại các giải thưởng tiền Oscar lớn nhỏ, cũng giúp đạo diễn Bong Joon-ho có lợi thế lớn trong cuộc đua tranh giải "Đạo diễn xuất sắc" tại Oscar 2020 và trở thành người Hàn Quốc đầu tiên được vinh danh ở hạng mục này. Ngoài ra ekip làm phim "Parasite" còn nhận được giải Oscar cho hạng mục "Kịch bản gốc xuất sắc nhất".

Tác phẩm của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon-ho còn làm nên lịch sử khi trở thành phim nước ngoài đầu tiên, giành được tượng Vàng Oscar cho"Phim truyện xuất sắc nhất", đồng thời vừa thắng giải "Phim quốc tế xuất sắc nhất".

Bộ phim "Parasite" đề cập khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, không gì có thể xóa nhòa trong xã hội Hàn Quốc. Đó không chỉ là hình ảnh đối lập giữa những căn hầm bẩn thỉu, tồi tàn với những biệt thự triệu đô xa hoa, mà sự chênh lệch giàu nghèo còn ăn sâu vào suy nghĩ, hành động của mỗi con người.

Với tựa phim đầy tính châm biếm, "Parasite" không chỉ nói về những người nghèo sống ký sinh trong gia đình chủ giàu có, mà còn chỉ trích cả nhóm người giàu trong phim cũng chính là những kẻ ký sinh khi đặt cả cuộc sống hàng ngày phụ thuộc vào người nghèo - quản gia, nội trợ, lái xe.

Những dấu ấn độc đáo trong phong cách làm phim cá nhân như kỹ thuật quay trừu tượng, màu sắc tương phản mạnh, diễn biến tâm lý chuyển đổi đột ngột, những chi tiết phản ánh sâu cay về thực tại xã hội, giúp phim của ông kết nối với khán giả và được giới phê bình đón nhận ở cả trong lẫn ngoài nước.

"Parasite" của đạo diễn Bon Joon-ho đã vượt qua rào cản về ngôn ngữ cũng như khoảng cách địa lý, tạo nên những thông điệp toàn cầu để nói lên giá trị, ý tưởng, và nỗi sợ của Hàn Quốc mà những quốc gia và dân tộc khác cũng đồng cảm. Tác phẩm của ông được đánh giá đã thúc đẩy thời kỳ hoàng kim mới của điện ảnh Hàn Quốc, vừa thu hút sự chú ý của quốc tế đến với những tựa phim tiêu biểu nhất của "Xứ Kim chi".

Trái ngược với những thành công "phi truyền thống" của "Parasite", tác phẩm sử thi về Chiến tranh thế giới lần thứ nhất "1917" của đạo diễn Sam Mendes lại một lần nữa cho thấy "cái dớp" của việc không có đề cử trong hạng mục "Dựng phim xuất sắc nhất" có thể chặn mạch thành công trên đường đua Oscar ra sao.

Tại lễ trao giải sáng 10/2, bộ phim gây tiếng vang này cũng đã được 3 lần xướng tên lên bục nhận giải. Tuy nhiên, đây đều là những giải thưởng về kỹ thuật, bao gồm: "Quay phim xuất sắc nhất", "Hòa âm xuất sắc nhất" và "Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất" chứ không phải các giải mang tính chuyên môn sâu như kỳ vọng của giới phê bình nghệ thuật.

Chiến thắng của "Parasite" càng ấn tượng hơn nếu so sánh tác phẩm này với bộ phim về gã ác nhân "Joker".Dù dẫn đầu với 11 đề cử ở các hạng mục của Oscar 2020, song đến phút cuối, tác phẩm này chỉ gỡ gạc được với chiến thắng của Joaquin Phoenix để giành tượng Vàng ở hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất". Ngoài màn thể hiện xuất thần của Joaquin Phoenix, âm nhạc Hildur Guðnadóttir cũng mang về cho bộ phim giải thưởng "Nhạc phim hay nhất" tại Oscar 2020.

Cũng ấn tượng không kém là chiến thắng của hãng phim Disney, với tượng vàng Oscar dành cho "Toy Story 4"tại hạng mục "Phim hoạt hình xuất sắc nhất" , sau khi đánh bại các ứng cử viên nặng ký khác bao gồm "How to Train Your Dragon: The Hidden World", "I Lost My Body", và "Missing Link".

Với thành công của thương hiệu "Toy Story", hãng Disney đã lập kỷ lục về loạt phim hoạt hình đầu tiên 2 lần thắng giải Oscar. Trước đó, "Toy Story 3" là phim hoạt hình hậu truyện (sequel) đầu tiên và duy nhất trong lịch sử từng giành giải Oscar.

Tài tử Brad Pitt cũng đã có được tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp của mình nhờ vai chàng diễn viên đóng thế Cliff Booth trong Once Upon a Time in Hollywood. Nam diễn viên điển trai đã vượt qua các đối thủ kỳ cựu khác là Tom Hanks, Anthony Hopkins, Al Pacino, Joe Pesci. Một điều thú vị là cho dù đã 56 tuổi, Brad Pitt vẫn là người trẻ tuổi nhất trong hạng mục này năm nay, khi tuổi trung bình của các đề cử nam phụ là 71.

Một chiến thắng nữa không thể không kể tới tại Oscar 2020, đó là phim đầu tay của vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama "American Factory" đã giành giải "Phim tài liệu xuất sắc nhất", vượt qua một loạt đề cử nặng ký cho danh hiệu Phim tài liệu xuất sắc nhất, bao gồm The Cave, The Edge of Democracy, For Same và Honeyland. "American Story" kể về những xung đột văn hóa diễn ra trong một nhà máy sản xuất tại Ohio sau khi nơi này được một công ty Trung Quốc tiếp quản.

Phim khắc họa cuộc sống của hàng nghìn công nhân Mỹ bị sa thải do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, cũng như bày tỏ cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong nền kinh tế toàn cầu hóa thế kỷ 21.

Tác phẩm đầu tay của vợ chồng vị cựu Tổng thống Mỹ được giới phê bình đánh giá rất cao, thậm chí còn đạt hơn 1 triệu lượt xem tại Trung Quốc. Tờ Washington Post đã không tiếc lời khen ngợi đây là bộ phim tài liệu độc đáo, "kể về một câu chuyện mang tầm vĩ mô qua những trải nghiệm vi mô với các nhân vật đời thường ấn tượng đến mức khó có thể quên nổi".

Với chiến thắng này, ông Barack Obama còn lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu, đó là trở thành vị cựu Tổng thống đầu tiên sản xuất một bộ phim đoạt giải Oscar. Trước đó, chỉ có cựu Phó Tổng thống Al Gore làm được điều này khi tác phẩm về biến đổi khí hậu "An Inconvinient Truth" của ông chiến thắng hạng mục "Phim tài liệu xuất sắc nhất" vào năm 2007./.

Xem thêm:

>>Giải Oscar 2020: Brad Pitt có tượng vàng đầu tiên trong sự nghiệp

>>Giải Oscar 2020: Điện ảnh Hàn Quốc thắng lớn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục