Ớt cay cuối vụ mang niềm vui cho nông dân Đồng Tháp

16:38' - 10/06/2019
BNEWS Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng ớt gần 2.000 ha; trong đó, ở huyện Thanh Bình chiếm 85% diện tích.
Bà con huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thu hoạch ớt. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Đầu năm giá ớt từ 20.000-30.000 đồng/kg, nhưng đến cuối vụ vào đầu tháng 6/2019 giá lên cao từ 42.000-45.000 đồng/kg và nhiều nhà vườn không đủ cung cấp cho các đại lý.

Tỉnh Đồng Tháp trồng nhiều loại ớt như: ớt Chánh Phong, Thiên Ngọc, Sen Hồng, Hai Mũi Tên, Sừng Trâu, Chỉ Thiên, ớt Búng, Tên Lửa 106,…

Ông Tư Chánh ở xã Phương Trà , thành phố Cao Lãnh cho biết, đầu vụ ớt có giá hơn 20.000 đồng/kg, đến đầu tháng 6/2019 thương lái đến tận nơi mua với giá 45.000 đồng/kg. Với giá này người trồng ớt lãi hơn 300 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Văn Út, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình tiếc vì vụ ớt của anh thu hoạch sớm bán với giá hơn 25.000 đồng/kg, nhưng anh vẫn lãi gần 200 triệu đồng/ha.

Anh Út cho biết thêm, theo tính toán sau 2 tháng trồng, ớt bắt đầu cho thu hoạch và mỗi vụ  cho thu hoạch 3 đợt trái, bình quân đạt năng suất từ 15-20 tấn/ha. Một vụ trồng ớt lãi hơn trồng lúa 170 triệu đồng/ha/năm.

Ớt ở Đồng Tháp  trồng nhiều nhất là ớt Chánh Phong, Thiên Ngọc và Hai Mui Tên vì các loại ớt này nhờ có màu sắc đẹp, hương vị rất cay, và giá trị dinh dưỡng cao.

Ớt được chế biến ra các sản phẩm như: muối sấy, ớt bột, ớt dầm giấm, tương ớt hoặc ớt tươi đông lạnh đưa đi tiêu thụ...

Bà con huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thu hoạch ớt. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Do đó, cây ớt đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho tiêu thụ nội địa và cho xuất khẩu.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp vừa đến khảo sát, định hướng đầu tư phát triển các ngành hàng nông sản chủ lực của huyện Thanh Bình, chủ yếu là ớt.

Hiện thị trường tiêu thụ chủ yếu của ớt ở huyện là thị trường Trung Quốc, xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch.

Hiện diện tích ớt sản xuất trong toàn huyện Thanh Bình hơn 1.500 ha/năm, chiếm 85% diện tích ớt trong toàn tỉnh.

Các xã vùng cù lao và các xã vùng ven sông tiền là những khu vực tập trung nhiều diện tích trồng ớt thuận lợi và hiệu quả của huyện Thanh Bình. Sản lượng ớt tươi hơn 22.500 tấn/năm. Trên địa bàn huyện có 25 cơ sở và đại lý thu mua.

Đến nay, sản phẩm ớt Thanh Bình được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “ Ớt Thanh Bình" cho hợp tác xã nông nghiệp Thuận Phong, ấp Tân Bình Hạ, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình.

Đây là loại cây trồng được chuyển đồi từ đất lúa sang trồng ớt rất hiệu quả ở tỉnh Đồng Tháp hiện đang được giá cao và cho nhân rộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục