Phân bón hữu cơ liệu có “cửa” phát triển?

20:58' - 13/10/2017
BNEWS Khi phân bón vô cơ (hóa học) chiếm gần 90% thị phần phân bón Việt Nam thì làm thế nào để thay đổi tập quán dùng phân vô cơ và hướng đến nền nông nghiệp bền vững?.

Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại hội thảo phát triển chiến lược phân bón hữu cơ và phổ biến Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 13/10.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nhiều nước nhập khẩu nông sản bắt đầu kiểm tra rất nghiêm ngặt chất lượng các mặt hàng nông sản. Đặc biệt, họ quan tâm đến vấn đề tồn dư của các chất kháng sinh, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng và hàm lượng các kim loại nặng trong nông sản. Để khắc phục vấn đề này, nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là xu hướng phát triển nông nghiệp trong thế kỷ 21 và là “chìa khóa” để phát triển.

Theo ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, không thể phủ nhận vai trò lịch sử của phân bón vô cơ khi góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản trong top đầu thế giới. Tuy nhiên, điều này lại đang dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai cằn cỗi và nhiều hệ lụy liên quan đến chất lượng nông sản, sức khỏe người dân… Do đó, việc thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, tận dụng phế phẩm là một chủ trương đúng đắn trong thời điểm hiện nay.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hàng năm ngành nông nghiệp thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, bã cây ngô, mía; hơn 25 triệu tấn các loại phân trâu bò, lợn, gia cầm… Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 23 triệu tấn rơm rạ, hơn 4,6 triệu tấn trấu và hơn 2,3 triệu tấn cám…

Đây là những tiềm năng to lớn có thể làm phân bón hữu cơ, nhưng lâu nay vẫn bị quên lãng. Với số lượng phế thải này, Việt Nam hoàn toàn đủ sức sản xuất 5 - 6 triệu tấn phân hữu cơ theo mô hình (nhà máy mini) hộ nông dân, qua đó tiết kiệm nhiều tỷ USD trong việc nhập khẩu phân bón vô cơ.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng việc xây dựng chiến lược phát triển phân bón hữu cơ không dễ dàng khi thói quen sử dụng phân vô cơ đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều nông dân. Hiện nay, nhiều nước đã sử dụng phân bón hữu cơ lên đến 35% - 40% như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ..., nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ khoảng 10%.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho biết, bản thân bà đã đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất đi theo hướng hữu cơ với chất lượng tốt. Tuy nhiên, để nông dân chuyển từ sử dụng phân vô cơ sang hữu cơ không dễ dàng vì sự tiện lợi và thói quen sử dụng.

Theo bà Minh, để chiến lược này đi vào thực tế sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có một chương trình khuyến nông, hướng dẫn, đào tạo nông dân; đồng thời liên kết, hướng dẫn các hội thực phẩm giúp cho họ có thị trường tiêu thụ tốt các sản phẩm hữu cơ.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, để thay đổi một nền sản xuất theo hướng hữu cơ thì phải xem đây là một cuộc "cách mạng" lâu dài với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, nhà khoa học và bà con nông dân, chứ không chỉ dừng lại ở một số nhà quản lý, doanh nghiệp....

Theo ông Thúy, Nhà nước cần quy hoạch cụ thể phân vùng thảm đất để khuyến cáo sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón cho chuyên vùng và chuyên dùng cho các loại cây trồng. Đồng thời có định hướng phát triển chăn nuôi hữu cơ, thủy sản hữu cơ để trở thành tập đoàn hữu cơ trong nông nghiệp. Nhà nước cũng cần có Chỉ thị hoặc Nghị quyết về phát triển chiến lược phân bón hữu cơ giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn 2025 - 2030 để có chính sách, cơ chế thích hợp về tài chính, thuế… cho cuộc "cách mạng".

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đều cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, người nông dân tham gia vào việc sản xuất phân bón hữu cơ; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục