Phân bón Phú Mỹ: 2 thập kỷ “cho mùa bội thu”

16:41' - 28/03/2022
BNEWS Gần 2 thập kỷ hình thành và phát triển, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã góp phần đáng kể vào bình ổn thị trường phân bón và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn ông Hoàng Trọng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVFCCo về những bí quyết đã giúp định vị thương hiệu của doanh nghiệp, cũng như những định hướng phát triển trong thời gian tới.

*Phóng viên: PVFCCo đã trải qua 19 năm hình thành và phát triển, từng bước khẳng định vị thế và thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam. Vậy đâu là các thành tố quan trọng làm nên một PVFCCo lớn mạnh như hôm nay?

*Ông Hoàng Trọng Dũng: Thành tố quan trọng và quyết định chính là quyết sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nhà máy phân đạm ure để tự chủ nguồn cung phân bón cho nông nghiệp, đảm bảo  an ninh lương thực quốc gia. Từ quyết sách đúng đắn này, Chính phủ đã giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên của Việt Nam sử dụng khí tự nhiên ở khu vực Đông Nam Bộ để sản xuất phân đạm ure.  

Với nỗ lực cao độ của PVN và sự đồng hành của tổ hợp nhà thầu quốc tế nhiều kinh nghiệm là Samsung và Technip, Nhà máy đạm Phú Mỹ đã hoàn thành và chính thức sản xuất thương mại những tấn đạm ure đầu tiên đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế vào năm 2004, đồng thời tiết kiệm chi phí xây dựng so với dự toán ban đầu.

Đây chính là dấu mốc thành công của dự án, là động lực quan trọng để sản phẩm của PVFCCo từng bước nâng cao sức cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả trên thị trường, đặc biệt là với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác.   

Cùng với nhà máy Đạm Hà Bắc, sự ra đời của nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đáp ứng 45% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần bình ổn thị trường và tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu phân bón. Đến nay, Đạm Phú Mỹ đã chiếm khoảng 35% thị phần phân đạm ure trong nước. 

Không dừng lại ở sản phẩm phân ure, PVFCCo còn đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp NPK, hiện cung ứng khoảng 15% nhu cầu phân NPK chất lượng cao cho thị trường. 

Đặc biệt, kể từ khi cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu (mã chứng khoán DPM) trên thị trường chứng khoán vào năm 2007, mô hình quản trị của PVFCCo đã thay đổi theo các tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại, minh bạch, tiệm cận quy chuẩn quốc tế.

Đến nay, với thị giá cổ phiếu đang ở mức 70.000 đồng/cổ phiếu, PVFCCo đã trở thành doanh nghiệp phân bón “tỷ đô” về vốn hoá thị trường. 

*Phóng viên:Trong 2 năm gần đây, đại dịch COVID-19 và bất ổn chính trị quốc tế làm cho thị trường phân bón thế giới và trong nước biến động phức tạp, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và bà con nông dân. Trong bối cảnh này, PVFCCo đã có những giải pháp gì để vừa hoàn thành tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đồng hành, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân?

*Ông Hoàng Trọng Dũng: Ngay khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ để duy trì sản xuất và đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người lao động. Theo đó, PVFCCo đã thực hiện giải pháp làm việc ba tại chỗ, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm cho người lao động và rất nhiều các biện pháp phòng chống dịch khác. Bên cạnh đó, PVFCCo tập trung nâng cao công tác dự báo thị trường, đánh giá các khó khăn, nhất là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, từ đó có các đối sách phù hợp.

Nhờ vậy, chuỗi sản xuất cung ứng phân bón Phú Mỹ được duy trì liên tục, góp phần đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp trên khắp mọi miền đất nước, cũng như chủ động, linh hoạt xuất khẩu khi nhu cầu trong nước vào thời kỳ thấp điểm. 

Để đảm bảo duy trì giá phân bón hợp lý trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao, cộng thêm các chi phí phát sinh phòng chống COVID-19, PVFCCo đã nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết, chương trình tiết giảm, tiết kiệm của từng năm. Năm 2021, PVFCCo đã tiết giảm được 100 tỷ đồng. 

Khi nhu cầu phân bón tăng cao, PVFCCo linh hoạt nâng công suất vận hành nhà máy, nhờ vậy không chỉ gia tăng sản lượng mà còn giảm tiêu hao vật tư năng lượng, góp phần hạ giá thành sản phẩm. 

Đặc biệt, PVFCCo đã thay đổi phương thức vận chuyển sản phẩm, đẩy mạnh vận chuyển thẳng đến các địa phương, giảm bớt các khâu trung gian, từ đó tiết giảm được chi phí. Ngoài ra, trong thời kỳ COVID-19, nhiều hoạt động không quá quan trọng đã được cắt giảm, góp phần tiết giảm chi phí.

Với các giải pháp đồng bộ như vậy, mặc dù chi phí sản xuất tăng cao nhưng PVFCCo vẫn duy trì được giá bán sản phẩm hợp lý và luôn thấp hơn so với giá sản phẩm cùng loại nhập khẩu. 

Không chỉ triển khai các giải pháp để duy trì sản xuất và phân phối ổn định, góp phần bình ổn thị trường, PVFCCo còn tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống COVID-19 như ủng hộ xe cứu thương, máy thở cho các cơ sở y tế, trao nhu yếu phẩm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng phân bón cho bà con nông dân…với giá trị khoảng 70 tỷ đồng 

PVFCCo cũng phối hợp với các bên liên quan tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức về sử dụng phân bón tiết kiệm hiệu quả, từ đó góp phần  giúp bà con nông dân sản xuất hiệu quả hơn cũng như bảo vệ môi trường tốt hơn. 

*Phóng viên: PVFCCo có tổ chức Đảng được đánh giá là trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền. Vậy đâu là các chủ trương và biện pháp mấu chốt để công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ PVFCCo đi vào chiều sâu và không bị hình thức?

*Ông Hoàng Trọng Dũng: Đảng bộ PVFCCo là Đảng bộ trên cơ sở thuộc Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, tất cả các nghị quyết, chủ trương, đường lối từ Đảng bộ Tập đoàn đều được Đảng bộ PVFCCo thực hiện nhanh chóng, nhất quán và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. 

Trong thời kỳ giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 lây lan, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể, nhưng Đảng bộ Tập đoàn và Đảng bộ Tổng công ty đã có những chỉ đạo kịp thời với các Đảng bộ và chi bộ cơ sở về các giải pháp thích ứng, nhờ đó hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì liên tục. 

Tại PVFCCo, các Đảng bộ, chi bộ cơ sở cũng thường xuyên có báo cáo kịp thời cũng như góp ý với Đảng bộ cấp trên để hoàn thiện các đường hướng phù hợp cho từng giai đoạn tháng, quý và năm. Trên cơ sở tổng kết hàng tháng, hàng quý, hàng năm, Ban chấp hành và Thường vụ cập nhật và có những kết luận, chỉ đạo kịp thời với Hội đồng quản trị, Ban điều hành, từ đó yêu cầu các đơn vị rà soát và sửa đổi, cập nhật các chương trình liên quan. 

Đặc biệt, trong thời gian COVID-19 diễn biến phức tạp, PVFCCo thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát theo các hình thức khác nhau, bao gồm cả trực tuyến, nên Đảng bộ PVFCCo luôn kịp thời đánh giá được chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng cơ sở, và nhanh chóng khắc phục, sửa chữa kịp thời các tồn tại trong hoạt động.

Tại PVFCCo, Đảng bộ cấp trên luôn đề ra các mục tiêu cụ thể, yêu cầu các Đảng bộ, chi bộ cơ sở bám sát và thực hiện các mục tiêu này. Ở chiều ngược lại, Đảng bộ, chi bộ cấp cơ sở cũng được thể hiện chính kiến, đóng góp ý kiến một cách dân chủ, thẳng thắn, thậm chí trái chiều cho Đảng bộ cấp trên vì mục tiêu phát triển chung. 

Nhờ tất cả các chủ trương, biện pháp đó mà Đảng bộ PVFCCo ngày càng trong sạch, vững mạnh và đoàn kết cao trong nội bộ.  

*Phóng viên: Thế kỷ 21 gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0) và phát triển bền vững, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có sự thay đổi để thích ứng. Vậy PVFCCo đã có những định hướng như thế nào trong chiến lược phát triển doanh nghiệp thời gian tới?

*Ông Hoàng Trọng Dũng: Hiện PVFCCo đang phối hợp với tư vấn để xây dựng  chiến lược phát triển cho giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo đó, PVFCCo sẽ xây dựng chiến lược phát triển theo ba trụ cột chính.  Đầu tiên là hoàn thiện bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ để góp phần tạo ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Đối với trụ cột này, sẽ cân nhắc việc phát triển dòng sản phẩm phân bón hữu cơ song hành với phân bón vô cơ chất lượng cao để xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp, bám sát xu hướng nông nghiệp xanh trên thế giới và các định hướng phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thực tế là ở các nước phát triển như Nhật Bản, sản xuất nông nghiệp vẫn phải dựa trên các mô hình canh tác kết hợp giữa sử dụng phân bón vô cơ chất lượng cao và khoảng 20% lượng phân bón hữu cơ. 

Thứ hai là nghiên cứu để gia tăng các cái sản phẩm liên quan đến hóa chất, hóa dầu trên cơ sở tìm kiếm các liên kết chuỗi với các đơn vị trong ngành. Thứ ba là gia tăng chuỗi giá trị của ngành phân bón. 

Ngoài ra để thích ứng với cách mạng 4.0 và chuyển đổi số thành công, PVFCCo thành lập Ban chỉ đạo và Ban dự án chuyển đổi số, tập trung rà soát, đánh giá mức độ tăng năng lực số của Tổng công ty cũng như cơ sở hạ tầng, từ đó xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Theo đó, kế hoạch cụ thể của PVFCCo sẽ tập trung vào các mục tiêu gồm: Xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp; xây dựng các dự án, lộ trình chuyển đổi số trong quản trị, kinh doanh, sản xuất; đẩy mạnh thương mại điện tử, văn phòng điện tử…

Dự kiến, trong tháng 5 tới, PVFCCo sẽ báo cáo cổ đông lớn, sau đó đưa ra đại hội đồng cổ đông thường niên để thông qua chiến lược này nhằm từng bước thích ứng tốt nhất với các yêu cầu mới về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và kinh tế xanh./.

*Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục