Phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại

16:32' - 27/05/2025
BNEWS Bộ Công Thương rà soát 685 văn bản từ cấp luật, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của Bộ trưởng.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Cụ thể, trả lời Công văn số 08/CV-BCĐ ngày 22/5/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp của Chính phủ về việc báo cáo tình hình, kết quả thực hiện phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền theo Kết luận số 155-KL/TW ngày 17/5/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính Bộ Công Thương có Văn bản 3729/BCT-PC để báo cáo kết quả.

Về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát tối đa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành, việc rà soát bám sát vào danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ Công Thương công bố tại kỳ hệ thống hóa giai đoạn 2019-2023. Đồng thời, cập nhật toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền giai đoạn từ năm 2024 đến tháng 5/2025.

 
Theo đó, tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ Công Thương rà soát là 685 văn bản từ cấp luật, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của Bộ trưởng.

Kết quả rà soát 685 văn bản quy phạm pháp luật ngành công thương cho thấy có 109 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 7 luật; 36 nghị định: 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 61 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương) có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền quản lý nhà nước của các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan Trung ương (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ) và địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Bên cạnh đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng các nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

Thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, căn cứ kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp, phân quyền thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã triển khai việc xây dựng, ban hành các nghị định của Chính phủ.

Đối với nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Dự thảo Nghị định được tách từ Dự thảo Nghị định đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định được xây dựng theo Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 19/4/2025 về sửa đổi, ban hành VBQPPL khi bỏ cấp huyện, tổ chức Chính quyền 2 cấp năm 2025 theo hướng “đẩy mạnh việc đề xuất phân cấp phân quyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 155- KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ nay đến ngày 30/6/2025 và Kế hoạch 447 về việc xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Nội dung nghị định đề xuất phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Sau phân cấp, tổng số nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương là: 238 (gồm: 60 nhiệm vụ đã được phân cấp theo quy định hiện hành và 178 nhận phân cấp mới). Cùng đó, sau phân cấp cho địa phương, tổng nhiệm vụ thẩm quyền còn lại thuộc Trung ương quản lý (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, bộ, cơ quan ngang bộ) là: 722 nhiệm vụ; trong đó, tổng số nhiệm vụ thuộc nhóm quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, kiểm tra: 470.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục