Phần lớn các nước ghi điểm thấp về kế hoạch phát thải ròng bằng 0

19:32' - 09/06/2023
BNEWS Ở nhóm 35 nước chiếm 4/5 lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn thế giới, gần như tất cả các nước trong nhóm này ghi điểm thấp về kế hoạch trung hòa khí thải carbon.

Theo một bản đánh giá được công bố ngày 8/6, ở nhóm 35 nước chiếm 4/5 lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn thế giới, gần như tất cả các nước trong nhóm này ghi điểm thấp về kế hoạch trung hòa khí thải carbon.

 

Cụ thể, trong nhóm 4 nước và khu vực phát thải lớn nhất thế giới, chỉ có kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá đáng tin cậy, trong khi kế hoạch của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ thiếu độ tin cậy. Trong số các nước được điểm cao có Anh và New Zealand.

Hiện phần lớn các nước đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ này mức phát thải ròng carbon bằng 0, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ hướng tới đạt mục tiêu này lần lượt vào năm 2060 và 2070. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1/3 trong số 35 nước nói trên có luật định về mục tiêu cắt giảm khí thải này.

Hầu hết các nền kinh tế mới nổi lớn trên thế giới như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Indonesia ở mức xếp hạng thấp nhất, tương tự các quốc gia Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ở vùng Vịnh.

Khả năng kìm hãm tốc độ ấm lên của Trái Đất phụ thuộc phần lớn vào việc các nước có giữ vững và thực hiện cam kết cắt giảm khí thải hay không, tuy nhiên, rất khó đánh giá mức độ tin cậy của các kế hoạch này.

Nếu các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của tất cả các quốc gia đều được thực hiện, mức nóng lên toàn cầu có thể ổn định trong phạm vi mục tiêu đề ra từ 1,5 độ C đến 2 độ C.

Nhưng nếu chỉ tính các chính sách sẵn có và bỏ qua những cam kết có phần không rõ ràng, nhiệt độ toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng ở mức từ 2,5 độ C đến 3 độ C.

Các nhà nghiên cứu áp dụng xếp hạng độ tin cậy để lập mô hình các kịch bản khác nhau về lượng khí thải trong tương lai và mức tăng nhiệt độ do lượng khí thải.

Theo đó, nếu chỉ các kế hoạch phát thải ròng bằng 0 đạt mức tin cậy cao được bổ sung vào các chính sách đang được thực hiện, sự nóng lên toàn cầu dự kiến ở mức tăng 2,4 độ C vào năm 2100, vẫn cao hơn nhiều so với các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ông Joeri Rogelj - Giám đốc nghiên cứu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London, đồng tác giả báo cáo nhận định:“Thế giới vẫn đang trên con đường rủi ro cao về khí hậu và chúng ta còn lâu mới mang lại được một tương lai khí hậu an toàn"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục