Phần lớn các sàn chứng khoán châu Á đi xuống phiên chiều 13/1

17:26' - 13/01/2022
BNEWS Thị trường Sydney, Wellington, Đài Bắc, Bangkok và Manila tăng điểm trong phiên này, trong khi thị trường Jakarta giảm nhẹ.

Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên chiều ngày 13/1 sau khi báo cáo mới nhất cho thấy giá cả tăng tại Mỹ sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong những tháng tới.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 1% xuống 28.517,94 điểm.

Tiếp nối xu hướng đi xuống chung, thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm điểm sau hai phiên tăng liên tiếp trước đó, khi giới đầu tư lo ngại lạm phát gia tăng ở Mỹ có thể thúc đẩy Fed sớm cắt giảm các biện pháp kích thích giữa lúc đồng won mạnh lên so với đồng USD. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,35%, đóng cửa ở mức 2.962,09 điểm.

Trong khi đó, hai thị trường chính Hong Kong và Thượng Hải của Trung Quốc tăng giảm trái chiều. Cụ thể, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,11%, lên 24.429,77 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,17%, xuống 3.555,26 điểm.

Thị trường Sydney, Wellington, Đài Bắc, Bangkok và Manila tăng điểm trong phiên này, trong khi thị trường Jakarta giảm nhẹ.

Số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng tại châu Á càng làm giới đầu tư thêm lo ngại bởi không chắc chắn về đà phục hồi sau đại dịch ở khu vực này.

Biến thể dễ lây lan Omicron đã xuất hiện tại Australia và nhiều nước khác ở châu Á, bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao và các chính sách siết chặt biên giới. Nhật Bản ngày 12/1 báo cáo hơn 13.000 ca nhiễm COVID-19 mới, số ca lây nhiễm hàng ngày cao nhất trong bốn tháng qua. Trung Quốc, vốn đang theo đuổi chính sách “Không COVID", đang gặp thách thức khi bùng phát dịch chỉ vài tuần trước khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tổ chức Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh. Trung Quốc triển khai xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng và trong số một số trường hợp tiến hành phong tỏa toàn bộ thành phố.

Ngoài ra, giới đầu tư đang tập trung vào báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, với giá tiêu dùng tăng 7% trong năm 2021, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982, giữa bối cảnh nguồn cung và chi phí năng lượng tăng cao do nhu cầu tăng cao từ những người Mỹ quay trở lại cuộc sống bình thường. Tỷ lệ lạm phát tăng cao, không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia kinh tế, diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với Quốc hội rằng Fed sẵn sàng tăng lãi suất để chống lại lạm phát.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, chỉ số VN - Index giảm 14,46 điểm (0,96%) xuống 1.496,05 điểm. Chỉ số HNX - Index giảm 12,81 điểm (2,7%) xuống 460,83 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục