Phân tích sự dịch chuyển trong quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc

05:30' - 31/08/2018
BNEWS Mối quan hệ Trung-Nga được thúc đẩy bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa ban hành thêm lệnh trừng phạt đối với Nga và tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) trao đổi văn kiện sau lễ ký các thỏa thuận hợp tác song phương. Ảnh: Xinhua/TTXVN

Đó là nhận định của nhà báo Matthew Carney, phóng viên thường trú tại khu vực Bắc Á, đăng trong bài viết phân tích về mối quan hệ hợp tác mới giữa hai cường quốc Nga và Trung Quốc trên trang web của kênh truyền thông ABC - Australia.

Theo tác giả Matthew Carney, cùng với những bất ổn đang diễn ra tại Iran, rất nhiều các quốc gia phương Tây đã tỏ ra lo lắng về một "cơ chế độc tài” mới đang dần nổi lên. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có 26 lần gặp nhau và sẽ tiếp tục có thêm một cuộc gặp nữa vào cuối tháng 9 tới.

Hai quốc gia này đang tạo ra mối quan hệ sâu sắc và mạnh mẽ nhất kể từ những rạn nứt vào năm 1979 khi Nga vẫn thuộc Liên Xô cũ. Cả hai nước cùng có tham vọng lớn nhất là ngăn chặn sự thống trị của Mỹ đối với trật tự thế giới. Cùng với sự giúp đỡ từ Iran, hai nước đã thành công trong việc định hình các sự kiện từ Syria cho tới Triều Tiên.

Trích dẫn phân tích của Phó Giáo sư Stephen Nagy thuộc trường đại học quốc tế Kito giáo danh giá tại Tokyo, tác giả viết: theo dõi sự thay đổi địa chính trị trong suốt một thập kỷ vừa qua có thể đưa ra nhận định rằng mối quan hệ hợp tác mới Trung-Nga là một cuộc “hôn nhân” với nhiều lợi thế hơn.

Theo giáo sư Nagy, Trung Quốc đang cảm thấy sức nóng từ mối quan hệ này. Bằng cách tăng cường mối quan hệ với Nga, nhấn mạnh sự đồng thuận giữa ông Tập và ông Putin, sự phát triển kinh tế và quân đội... là thông điệp được gửi tới Mỹ để cho thấy Trung Quốc đã có sự lựa chọn và Nga là một "lựa chọn quyền lực" khi Moskva có thể cung cấp các nguồn năng lượng tương tự như Washington. 

Năm 2017, thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc đã tăng 20% so với năm trước đó, giúp Trung Quốc duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Nga năm thứ 8 liên tiếp. Nga cũng đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất và đảm bảo nhất của Trung Quốc.

Theo Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Nga và Trung Quốc có thể vượt mốc 100 tỷ USD trong năm 2018, sau khi tăng gần 30% trong quý I/2018. Ông Gao Feng nhấn mạnh quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển vững mạnh và không bị tác động bởi môi trường bên ngoài.

Trong vài năm gần đây, quan hệ thương mại và kinh tế song phương đã tăng tốc mạnh, qua đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và hợp tác trong những dự án chiến lược. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để tối ưu hóa cơ cấu thương mại song phương thông qua việc mở rộng giao thương các sản phẩm về điện, máy móc và công nghệ cao...

Điều quan trọng hơn cả đó là mối quan hệ quân sự giữa hai nước đang ngày càng được thắt chặt. Nga và Trung Quốc đã tiến hành các chương trình tập huấn quân sự chung từ Biển Nhật Bản cho tới Địa Trung Hải. Rất nhiều thập kỷ trước, Nga chống lại việc bán các thiết bị quân sự tiên tiến cho Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, điều này đã hoàn toàn thay đổi.

Trong dài hạn, Nga có thể sẽ phải lo lắng về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, theo giáo sư Nagy, cả hai cùng hành động đồng thời là cách hiệu quả để đối đầu với Mỹ mà không dẫn đến xung đột trực tiếp. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không thấy Trung Quốc trực tiếp chống Mỹ, nhưng quốc gia này sẽ xây dựng năng lực và khả năng với các quốc gia giống như Nga, có thể góp phần xây dựng thể chế xã hội và ổn định kinh tế, và khả năng cả hai sẽ đối đầu trực tiếp chống Mỹ".

Kết thúc bài viết, tác giả Matthew Carney đưa ra nhận định rằng sẽ là không khôn ngoan khi Mỹ tiếp tục kích thích sự hình thành quyền lực từ trục Trung-Nga. Nhìn lại lịch sử, chỉ có một lý do để Mỹ giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh đó là khi Washington kết bạn với Bắc Kinh vào năm 1972 và hai nước đã bắt tay cùng chống Liên bang Xô Viết cũ. Và Liên Xô đã hoàn toàn "tan rã" chưa đầy 20 năm sau đó.

Vị kiến trúc sư trưởng của quá trình di chuyển đó, nhà chính trị gia chiến lược Herry Kissinger, dường như đã tư vấn cho ông Trump theo đuổi một "chiến lược đảo ngược" bằng cách tìm kiếm đồng minh với Moskva để cô lập Bắc Kinh. Điều này phần nào cho thấy sự thừa nhận rằng mối quan hệ Trung-Nga có thể sẽ định hình trật tự thế giới trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục