Phản ứng đầu tiên từ Trung Quốc sau khi Mỹ cấm xuất khẩu cho ZTE

10:57' - 17/04/2018
BNEWS Ngày 16/4, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cho ZTE sau khi phát hiện doanh nghiệp này vi phạm các điều khoản thi hành án phạt từ một tòa án Mỹ.

Sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm các công ty trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cho công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc ZTE Corp, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 17/4 đã bày tỏ hy vọng rằng Washington có thể giải quyết vấn đề này một cách hợp lý theo các quy định.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ theo dõi sát tình hình liên quan đến ZTE và sẵn sàng hành động để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Cùng ngày, ZTE cho biết đang đánh giá toàn bộ ảnh hưởng từ quyết định nói trên của Mỹ đối với công ty này và chủ động thảo luận với các bên có liên quan để đưa ra phản ứng phù hợp.

Trước đó, ngày 16/4, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cho ZTE sau khi phát hiện doanh nghiệp này vi phạm các điều khoản thi hành án phạt từ một tòa án Mỹ đối với hành vi bán hàng cho Iran và CHDCND Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt.

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết lệnh cấm mới đồng nghĩa với việc ZTE sẽ không thể tiếp tục nhập các linh kiện từ Mỹ để lắp đặt trong các sản phẩm của mình. ZTE cũng chắc chắn sẽ không có cơ hội để thay đổi lệnh cấm này.

Lệnh cấm được đưa ra sau khi giới chức Mỹ phát hiện ZTE đã gian dối trong việc thi hành án phạt mà Tòa án liên bang tại Texas đưa ra hồi tháng 3/2017 sau khi kết luận công ty này xuất khẩu bất hợp pháp các hàng hóa của Mỹ cho Iran, vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Theo đó, ZTE phải chịu mức phạt lên tới 1,2 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử các vụ xét xử vi phạm xuất khẩu tại Mỹ.

Cùng với việc nộp phạt, ZTE cũng bị yêu cầu sa thải bốn nhân viên cấp cao có liên quan và phạt 35 nhân viên khác thông qua các hình thức như cắt giảm thưởng hoặc khiển trách.

Tuy nhiên, tháng Ba vừa qua, ZTE đã thừa nhận mới chỉ sa thải bốn nhân viên cấp cao và chưa có biện pháp gì với 35 nhân viên còn lại. Điều đáng chú ý là công ty vẫn gửi các thông báo đã thực hiện đầy đủ các biện pháp theo yêu cầu tới giới chức Mỹ.

Giới chức Mỹ lần đầu tiên công khai cuộc điều tra nhắm vào ZTE vào tháng 3/2016. Theo kết quả điều tra, từ năm 2010 tới tháng 3/2016, ZTE đã thực hiện hàng trăm chuyến vận chuyển hàng hóa của Mỹ tới Iran và Triều Tiên và dùng các biện pháp gian lận để che giấu hành vi của mình.

Thời gian qua, Washington cũng liên tục chú ý và can thiệp các hoạt động xuất khẩu công nghệ "nhạy cảm" cho các đối tác Trung Quốc do lo ngại những hoạt động này có thể tiếp tay cho Bắc Kinh vươn lên nắm vị trí tiên phong trong lĩnh vực công nghệ.

Lo ngại này càng có cơ sở khi cùng ngày, Hiệp hội Các nhà cung cấp dịch vụ Internet không dây Mỹ (CTIA) công bố một báo cáo cho thấy hiện nay Trung Quốc đang dẫn trước Hàn Quốc và Mỹ trong cuộc đua phát triển mạng không dây thế hệ 5G.

Báo cáo do Analysys Mason thực hiện với 10 quốc gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ chỉ ra Mỹ dù cùng nằm trong nhóm dẫn đầu cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng vẫn bị Trung Quốc dẫn trước trong cuộc đua phát triển các hệ thống mạng kết nối không dây tốc độ cực nhanh vốn được coi là thiết yếu trong công nghệ chế tạo xe tự lái, y học từ xa và các công nghệ quan trọng khác.

Mạng không dây 5G cũng được các nhà phân tích đánh giá là sẽ tạo ra những lợi nhuận kinh tế quan trọng khi là tiền đề thúc đẩy hoạt động bán thiết bị và các dịch vụ di động./.

>>>Nhà kinh tế Trung Quốc: Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển lớn nhất thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục