Phản ứng mạnh từ các nước trước đe dọa thuế quan từ Mỹ

17:13' - 10/02/2025
BNEWS Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thuế quan với hàng hóa nhập khẩu, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, EU và Hàn Quốc đã phản ứng quyết liệt.
Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc, đã có những phản ứng quyết liệt nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.

 
* Trung Quốc gia tăng áp lực lên các tập đoàn công nghệ Mỹ

Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường sử dụng các biện pháp chống độc quyền và các công cụ pháp lý khác để gây sức ép đối với các công ty công nghệ Mỹ. Theo những nguồn tin thân cận, nước này đang lập danh sách các tập đoàn công nghệ Mỹ có thể bị điều tra, với mục tiêu tạo ra lợi thế đàm phán trong các cuộc đối thoại thương mại với Mỹ.

Hiện tại, Trung Quốc đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền đối với Nvidia và Google, đồng thời nhắm đến Apple, công ty công nghệ Broadcom ở Thung lũng Silicon cùng nhà cung cấp phần mềm thiết kế bán dẫn Synopsys. Đặc biệt, thương vụ trị giá 35 tỷ USD của Synopsys đang chờ sự phê duyệt từ Trung Quốc.

 
Việc sử dụng các biện pháp này là một phần trong chiến lược đối phó của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược này cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi việc gây sức ép có thể khiến các doanh nghiệp nước ngoài giảm đầu tư vào Trung Quốc, trái ngược với mong muốn thu hút đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hãng Kyodo dẫn truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này ngày 10/2 đã chính thức áp thuế bổ sung lên tới 15% đối với một số hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Động thái này là một phần của các biện pháp nhằm đáp trả việc Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc vốn có hiệu lực từ ngày 4/2.

Các mặt hàng của Mỹ chịu mức thuế bổ sung nói trên bao gồm than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), máy móc nông nghiệp và ô tô phân khối lớn.

* EU cảnh báo về một cuộc chiến thương mại

Trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, EU đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo và tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot khẳng định EU sẽ không do dự trong việc bảo vệ lợi ích của mình và sẽ áp dụng biện pháp trả đũa tương tự. Ông nhắc lại rằng vào năm 2018, khi chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump thực hiện động thái tương tự, EU đã có biện pháp đáp trả và sẽ tiếp tục làm như vậy lần này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng chỉ trích chính sách thuế quan của Mỹ, cho rằng EU không nên là "ưu tiên hàng đầu" của Mỹ trong vấn đề này.

* Hàn Quốc họp khẩn cấp để ứng phó

Tại châu Á, Hàn Quốc cũng đang khẩn trương tìm cách đối phó với nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ. Ngày 10/2, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của các tập đoàn thép lớn như POSCO Holdings và Hyundai Steel để đánh giá tác động và xây dựng chiến lược ứng phó.

Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Park Jong Won cho biết chính phủ nước này sẽ chủ động ứng phó với sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ bằng cách sử dụng mọi mạng lưới có sẵn và hợp tác chặt chẽ với các ngành liên quan.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ công bố vào ngày 10/2 (giờ Mỹ) về việc áp mức thuế mới 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Thông báo này làm dấy lên lo ngại rằng các công ty Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mức thuế quan dự kiến của Mỹ, không giống như động thái trước đây của chính quyền Tổng thống Trump khi áp thuế đối với hàng hóa của Canada (Ca-na-đa), Mexico (Mê-hi-cô) và Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), Hàn Quốc chiếm khoảng 13% lượng thép nhập khẩu vào Mỹ.

Trong khi đó, từ Canberra, Chính phủ Australia cho biết đang đưa ra bằng chứng và luận cứ cho chính quyền của Tổng thống Trump để được miễn trừ thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu thị trường Mỹ. Thủ tướng Australia Anthony Albanese có kế hoạch sẽ thảo luận trực tiếp với Tổng thống Trump về vấn đề này.

Theo đài truyền hình ABC News của Australia, trong năm 2024 nước này xuất khẩu 223.000 tấn thép và 83.000 tấn nhôm sang Mỹ. Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Australia, ông Don Farrell, nhấn mạnh ngành công nghiệp thép và nhôm của Australia không chỉ tạo ra hàng nghìn việc làm có mức lương cao tại Mỹ mà còn đóng vai trò quan trọng cho lợi ích quốc phòng chung của hai nước.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, nhưng sau đó lại cấp hạn ngạch miễn thuế cho một số đối tác thương mại, trong đó có Hàn Quốc, Canada, Mexico và Brazil. Sau khi lên nắm quyền, cựu Tổng thống Joe Biden đã mở rộng hạn ngạch này cho Anh, Nhật Bản và EU trong bối cảnh công suất các nhà máy thép của Mỹ giảm  mạnh trong những năm gần đây. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục